September 06, 2022 | 07:00 GMT+7

Thẻ tín dụng nội địa đang nỗ lực chiếm thị phần

Mặc dù xuất hiện muộn nhưng thẻ tín dụng nội địa đang dần chiếm lĩnh thị phần. Dòng thẻ này có động lực từ phân khúc khách hàng rộng, nhiều ưu điểm vượt trội và chính sách mở đường của cơ quan quản lý...

Hiện đang có khoảng 550.000 thẻ tín dụng nội địa đã được phát hành
Hiện đang có khoảng 550.000 thẻ tín dụng nội địa đã được phát hành

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, có 12 tổ chức tín dụng phát hành thẻ tín dụng nội địa, bao gồm 9 ngân hàng và 3 công ty tài chính. Số lượng thẻ lưu hành đạt hơn 543.000 thẻ, tăng khoảng 26% so với cuối năm 2021.

XUẤT PHÁT MUỘN NHƯNG MẠNH MẼ

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), thẻ nội địa ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Hiện có khoảng 100 triệu thẻ nội địa các loại được phát hành, lưu hành và được người dân sử dụng để thanh toán cũng như rút tiền tại hơn 20.000 cây ATM trên cả nước.

Thống kê của Napas tại các điểm giao dịch cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch chi tiêu qua thẻ đạt 45% và giá trị giao dịch đạt 40%. Nếu xét trên trực tuyến (online), con số này là 87% về số lượng giao dịch và 107% về giá trị giao dịch. Điều này cho thấy, ngoài việc rút tiền tại ATM, người dân đã biết sử dụng thẻ nội địa để chi tiêu.

“Số liệu thống kê đã thúc đẩy Napas và các tổ chức phát hành thẻ gồm ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa dựa trên nền tảng thẻ chip/chip contactless”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hướng tới việc phục vụ đa số người dân, hay nói cách khác là sản phẩm chủ lực cho chiến lược tài chính toàn diện mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước theo đuổi. Ngoài ra, thông qua thẻ tín dụng nội địa, các ngân hàng cũng muốn tạo ra kênh tiếp cận vốn cho người dân đối với các nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Đặc biệt, đối với người kinh doanh cá nhân, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận thẻ như một nguồn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của mình.

Do đó, thẻ tín dụng nội địa có một số ưu điểm nổi bật: (i) có sự ủng hộ về mặt chính sách từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; (ii) với hạn mức nhỏ, yêu cầu hồ sơ cấp thẻ cũng đơn giản; (iii) bất cứ khi nào người dân, người lao động có nhu cầu thì đều có thể thực hiện chi tiêu, không phải đến lúc cần mới tìm mọi cách để vay (tránh hiện tượng tín dụng đen); (iv) thẻ có thể rút tiền mặt trên 20.000 điểm ATM cũng như thanh toán tại 350.000 điểm giao dịch; (v) không cần nhập mã pin khi thanh toán các giao dịch giá trị nhỏ; (vi) thông dụng trong giao thông như thanh toán trên xe buýt điện Vinbus bằng thẻ chip không tiếp xúc (contactless) khi mua vé...

 

Thẻ tín dụng nội địa là một sản phẩm có rất nhiều ưu điểm. Trong đó, tốt như các sản phẩm đang có trên thị trường, rẻ hơn các sản phẩm đang có trên thị trường, tính năng như các sản phẩm đang có trên thị trường. Tôi tin trưởng rằng, không có lý do gì để kìm hãm sự phát triển của thẻ tín dụng nội địa.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Bên cạnh các ưu điểm riêng biệt, thẻ tín dụng nội địa cũng có các ưu điểm nói chung của các dòng thẻ khác. Cụ thể, thẻ tín dụng nội địa sử dụng ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa của Ngân hàng Nhà nước và tiêu chuẩn quốc tế EMV. Hiểu đơn giản, tính an toàn, bảo mật, hạn chế rủi ro, gian lận, giả mạo tương đương thẻ tín dụng quốc tế.  Đồng thời, ưu đãi thẻ tín dụng nội địa không kém gì thẻ tín dụng quốc tế, khách hàng được miễn lãi lên tới 60 ngày.

Nhìn chung, với nhiều ưu điểm và tính năng, thẻ tín dụng nội địa ngày càng nâng cao vị trí trong đánh giá của khách hàng. Nhiều chuyên gia dự báo, đây sẽ là xu hướng thanh toán mới của người dùng Việt, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

“Con số gần 550.000 thẻ được phát hành sau hơn một năm mà Ngân hàng Nhà nước công bố là một minh chứng thực tế nhất. Thực ra, 550.000 thẻ không quá lớn. Nhưng nếu xét trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hoành hành và việc người dân phải đến trực tiếp tổ chức phát hành để ký nhận thì kết quả trên rất đáng được ghi nhận”, đại diện Napas cho biết.

GIẢI PHÁP MỞ RỘNG THỊ PHẦN

Theo ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Phát triển thanh toán (Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước), chia sẻ hiện nay, hành lang pháp lý cho thẻ ngân hàng, trong đó bao gồm cả thẻ tín dụng nội địa đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành tương đối đầy đủ.

Mặt khác, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã xác định được trách nhiệm trong việc phát hành thẻ tín dụng nội địa để hướng tới góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phổ cập tài chính toàn diện.

Ông Giang cũng lưu ý, mặc dù đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, nhưng do đi sau nên thẻ tín dụng nội địa cần tận dụng mọi lợi thế để mở rộng thị phần. Theo đó, ông Giang đưa ra 3 giải pháp chính.

Thứ nhất, tổ chức phát hành thẻ phải có chương trình quảng bá, giới thiệu thẻ tín dụng đến đông đảo người dân. Bởi lẽ, người dân ở khu vực thành thị đã quen với thẻ tín dụng nhưng chủ yếu là thẻ tín dụng quốc tế. Đối với thẻ tín dụng nội địa, người dân còn chưa quen, đặc biệt với người dân ở vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo, chưa từng tiếp cận với thẻ tín dụng. Vì vậy, tổ chức tín dụng cần làm nổi bật tính cần thiết.

Bên cạnh đó, đôi khi người dân cũng chưa cần tiền ngay và họ thường nghĩ tiếp cận vốn tại các công ty tài chính, ngân hàng rất tốn thời gian. Do đó, tổ chức phát hành thẻ cần đơn giản hóa thủ tục phát hành.

Đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư hướng dẫn và các tổ chức có thể phát hành thẻ qua online. Như vậy, việc chấm điểm khách hàng rất quan trọng, để khi khách hàng mở thẻ thì các ngân hàng, công ty tài chính xử lý được hồ sơ ngay. Điều này cũng giúp ngân hàng đáp ứng được ngay yêu cầu về vốn, nhu cầu chi tiêu cấp thiết trong trường hợp khẩn cấp của người dân. Qua đó, thẻ tín dụng nội địa trở nên rất quan trọng trong việc phổ cập tài chính toàn diện, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Thứ hai, khi khách hàng mở thẻ tín dụng nội địa, tức tiếp cận nguồn vốn chính thống nhưng muốn sử dụng nguồn vốn này cho các nhu cầu hàng ngày thì phải cần thêm điểm chấp nhận thanh toán.

Hiện tại, ở khu vực đô thị đã tương đối phổ biến. Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa thì cần phải cung cấp thêm các điểm, nơi mà khách hàng có thể sử dụng thẻ tín dụng nội địa này. Nếu điểm giao dịch nào cũng hỏi khách hàng có thẻ tín dụng nội địa không thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tìm hiểu và đăng ký mở thẻ.

Thứ ba, hầu hết các tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa cũng phát hành song song thẻ tín dụng quốc tế do một số lợi ích về kinh tế. Ví dụ, với phí chuyển đổi ngoại tệ (Interchange Rate), các tổ chức quốc tế trả cao hơn so với thẻ tín dụng nội địa. Do đó, với vai trò là công ty chuyển mạch thẻ, Napas cần phối hợp với các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ để có một mức phí hợp lý. Cần phải có mức phí chia sẻ, hài hòa hợp lý giữa các bên.

“Các ngân hàng, công ty tài chính mới bắt đầu phát hành thẻ tín dụng nội địa nên cần thêm thời gian để tạo độ phủ. Muốn tăng độ phủ trong thời gian ngắn nhất, các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thành toán cũng như công ty chuyển mạch thẻ phải có sự hợp tác, chia sẻ trong từng giải pháp. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng rất mong muốn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các bên tuyên truyền về lợi ích của thẻ tín dụng nội địa. Bởi càng tuyên truyền lợi ích chi tiết thì khách hàng càng sẵn lòng đón nhận thẻ và mở thẻ”, đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate