Quá trình chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất thế giới thường rất căng thẳng đối với các quốc gia đăng cai, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn vào tháng trước khi bất ngờ kêu gọi bầu cử quốc hội sớm, chỉ 3 tuần trước khi Thế vận hội bắt đầu.
Theo France24, vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào Chủ Nhật vừa qua đã dẫn đến tình trạng “quốc hội treo”, khiến việc tổ chức kỳ Olympic sẽ khai mạc vào ngày 26/7 tới trở nên rất khó khăn, do chưa biết ai sẽ giữ các vị trí chủ chốt trong chính phủ. Kết quả bầu cử cũng đã khiến Quốc hội Pháp bị chia làm 3 nhóm chính, mà trong đó không phe nào chiếm đa số và rất khó có thể hợp tác với nhau để thành lập chính phủ mới.
Tương lai của Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin, người giám sát công tác chuẩn bị an ninh cho Thế vận hội, cũng đang bị đe dọa. Paul Dietschy, giáo sư lịch sử và thể thao tại Đại học Franche-Comte ở Pháp, chia sẻ với AFP: "Những điều mà ban tổ chức lo lắng nhất là tình trạng tội phạm, và tất nhiên là cả khủng bố, cũng như tình trạng giao thông... Bộ trưởng Nội vụ là vị trí quan trọng nhất".
Căng thẳng an ninh gia tăng do các cuộc xung đột Nga-Ukraine và Hamas-Israel, cùng với một loạt các cuộc bầu cử trong năm nay, bao gồm cả ở Pháp, đã làm dấy lên lo ngại về hành động bạo lực mang động cơ chính trị tại các sự kiện lớn toàn cầu. Hồi tháng trước, cảnh sát trưởng thủ đô Paris, ông Laurent Nunez cho rằng hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan là mối lo ngại an ninh chính trước Thế vận hội sắp tới.
Allianz, tập đoàn bảo hiểm Đức, là đối tác bảo hiểm chính thức cho Thế vận hội. Ông Eike Buergel, Giám đốc chương trình Olympic và Paralympic của Allianz, cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Ban tổ chức Olympic Paris 2024 và các ủy ban tổ chức quốc gia, phối hợp chặt chẽ với chính quyền Pháp, đang thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết các thách thức an ninh".
Ông Andrew Duxbury, Giám đốc dự phòng rủi ro tại công ty bảo hiểm Beazley, nhấn mạnh với AP News rằng đây là một sự kiện quy mô lớn diễn ra tại một thành phố rộng lớn, do đó việc đảm bảo an ninh sẽ vô cùng khó khăn. Pháp hiện đang duy trì cảnh báo an ninh ở mức cao nhất. Hầu hết các mối lo ngại đều tập trung vào lễ khai mạc dự kiến diễn ra trên đoạn sông Seine dài 6 km.
Theo kế hoạch, tuần trước lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2024, cảnh sát sẽ thiết lập một khu vực chống khủng bố rộng lớn trải dài dọc theo sông Seine. Khoảng 20.000 gia đình sinh sống trong khu vực sẽ phải đăng ký mã QR với cơ quan chức năng để được cấp thẻ ra vào. Quy định này cũng được áp dụng với những người tới đây để làm việc và khách du lịch đặt phòng khách sạn hoặc thuê căn hộ.
Hệ thống tàu điện ngầm tại Paris vẫn duy trì hoạt động, ngoại trừ khoảng 15 ga trong khu vực chống khủng bố, nơi sẽ được thu hẹp lại sau lễ khai mạc Olympic Paris 2024. Theo Bộ Nội vụ Pháp, lực lượng an ninh đang sàng lọc hồ sơ của khoảng 1 triệu người trước thềm Olympic Paris 2024, bao gồm cả các vận động viên và những người sống gần công trình hạ tầng quan trọng của sự kiện này.
Theo các nguồn tin trong ngành, các công ty bảo hiểm đã gặp gỡ giới chức IOC tại Paris vào tháng trước để thảo luận về các biện pháp giảm thiểu rủi ro. IOC nhấn mạnh rằng quản lý rủi ro đóng vai trò "thiết yếu" trong hoạt động của họ, nhằm giảm thiểu khả năng các sự kiện bất ngờ ảnh hưởng tiêu cực đến Thế vận hội.
Ở một diễn biến khác, các tổ chức công đoàn CGT, CFDT, FO và UNSA đã kêu gọi người lao động đình công vào ngày 17/7 tới, tức là 9 ngày trước khi khai mạc Olympic Paris 2024, để yêu cầu tiền thưởng Olympic cho toàn bộ nhân viên. Các sân bay của Paris sẽ là cửa ngõ chính vào Pháp cho du khách nước ngoài đến tham dự Thế vận hội, với dự kiến có tới 350.000 người quá cảnh tại đây mỗi ngày, cũng như hầu hết các vận động viên và thiết bị của họ.
Theo kế hoạch, hàng nghìn vận động viên sẽ bắt đầu đến Pháp từ ngày 18/7, khi các làng vận động viên mở cửa. Không chỉ các công đoàn đại diện cho nhân viên làm việc tại sân bay, các công đoàn đại diện cho người lao động trong khu vực công ở Pháp, trong đó có cảnh sát, người thu gom rác, lái tàu, lính cứu hỏa, cũng yêu cầu được trả thêm lương hoặc hỗ trợ khi phải làm việc trong thời gian diễn ra Olympic từ ngày 26/7 đến ngày 11/8, vốn đúng dịp nghỉ hè ở Pháp.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ ban tổ chức về công tác chuẩn bị các biện pháp chống doping tại Thế vận hội Olympic Paris 2024, sẽ có hơn 1.000 nhân viên phụ trách kiểm tra khoảng 4.000 vận động viên trong suốt thời gian diễn ra đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Các đại diện của Cơ quan Kiểm nghiệm Quốc tế sẽ có mặt tại Làng Olympic từ ngày 18/7, một tuần trước khi Olympic Paris 2024 bắt đầu.
Theo đó, Cơ quan chống doping của Pháp sẽ sử dụng khoảng 300 quan chức để thu thập mẫu nước tiểu hoặc máu trong thời gian diễn ra sự kiện. Khoảng 800 tình nguyện viên được Ban tổ chức Thế vận hội tuyển dụng sẽ hỗ trợ các vận động viên trong quá trình kiểm tra doping. Tổng cộng sẽ có khoảng 50 điểm kiểm tra doping được thiết lập trên khắp làng Olympic và các địa điểm tổ chức thi đấu.
Theo ông Beatrice Bourgeois, Giám đốc Cơ quan chống doping Pháp, Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 sẽ có tác động lâu dài đến các nỗ lực chống doping. Cơ quan chống doping thế giới sẽ tham gia với vai trò như một quan sát viên. Ngoài ra, Tòa án Trọng tài Thể thao sẽ thành lập một phòng tạm thời ở Paris để xử lý mọi tranh chấp pháp lý nếu có.
Olympic Paris 2024 đang có nguy cơ trở thành kỳ Thế vận hội nóng nhất lịch sử. Các vận động viên tham gia Olympic tại thủ đô Pháp được yêu cầu cảnh giác trước nguy cơ ngã quỵ trong lúc thi đấu, và trong trường hợp bi kịch nhất là có thể tử vong trên đường đua.
Là một thế vận hội thân thiện với môi trường, ban tổ chức Olympic Paris 2024 vốn không lắp điều hòa tại các phòng ngủ dành cho vận động viên tại làng Olympic. Tuy nhiên, ban tổ chức sẽ cung cấp 2.500 điều hòa di động, các thiết bị này sẽ được các phái đoàn thuê lại bằng kinh phí riêng.