Tại Đối thoại chuyên đề “Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 31/8/2022, cơ quan quản lý, cơ quan đại diện cho người lao động và các chuyên gia đều cho rằng đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa chính là bài thuốc hữu hiệu cho vấn nạn "tín dụng đen" hiện nay. Qua đó, hướng tới phổ cập tài chính cho đông đảo người dân Việt Nam có thu nhập chưa cao.
THẺ TÍN DỤNG NỘI ĐỊA LỢI GÌ SO VỚI VAY APP?
Theo ghi nhận của VnEconomy, các đối tượng cho vay nặng lãi rất nhạy bén trong tiếp thị, quảng bá. Những tờ rơi, tờ quảng cáo cho vay được dán ở khắp mọi nơi; thậm chí, tới tận cửa phòng trọ của công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Thủ tục vay tiền rất dễ dàng, nhanh chóng, thậm chí “gọi điện là có tiền” khiến nhiều người đang cần tiền mất cảnh giác, không để ý điều khoản, lãi suất, từ đó, không lường hết hậu quả xảy ra.
Ở chiều ngược lại, nếu muốn vay ngân hàng, người dân phải đáp ứng rất nhiều điều kiện chặt chẽ, chứng minh được thu nhập, khả năng trả nợ… Không phải ai cũng đủ điều kiện vay ngân hàng. Nếu đủ thì cũng phải chờ đợi 10–20 ngày mới được giải ngân.
Đến từ tổ chức đại diện cho người lao động, ông Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng với công nhân ở Bắc Giang mới đây, câu chuyện “tín dụng đen” được đông đảo người lao động chia sẻ và mong muốn tìm giải pháp tháo gỡ.
Qua các đợt khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Bình Dương, Quảng Nam, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Nghệ An, Long An và Đồng Nai… thì nhu cầu tín dụng của công nhân rất lớn.
“Trong đó, nhu cầu cấp thiết, thiết yếu là nhiều. Tổng thu nhập bình quân của 2 vợ chồng làm công nhân khoảng 15 triệu đồng mà họ phải thuê nhà, nuôi con, nhiều khi phải nuôi cả bố mẹ già lên trông con thì hầu như không còn tích luỹ. Không may, nếu có người thân phải nhập viện thì họ phải đi vay”, ông Nguyễn Minh Dũng lấy ví dụ.
Đối với công nhân, việc vay người nhà hay người quen cũng không hề dễ dàng. Trong khi đó, tín dụng đen mặc dù không đúng pháp luật nhưng lại tiếp thị rất gần, đến tận cửa nhà trọ của công nhân. Lúc khó khăn như thế thì nhiều khi công nhân buộc phải “vay nóng”.
“Lãi suất thì cắt cổ, mà nhiều khi công nhân muốn trả, những người cho vay cũng không cho trả. Mặc dù Chính phủ cũng có nhiều gói cho vay ưu đãi cho công nhân nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu”, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ.
Thẻ tín dụng nội địa khác vay qua app như thế nào, có ưu đãi gì với người lao động, thủ tục mở thẻ có phức tạp không, có phí duy trì số dư tối thiểu của thẻ không, phí thường niên ra sao, trong trường hợp bất khả kháng, công nhân, người lao động gặp hoạn nạn, thiên tai không thể trả được nợ thì họ có phải chịu trách nhiệm hình sự không…; đó là câu hỏi mà đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đặt ra cho đại diện các ngân hàng, tổ chức tài chính có mặt tại tọa đàm của VnEconomy.
Các ngân hàng và tổ chức tài chính cho biết thủ tục mở thẻ tín dụng nội địa hiện nay khá đơn giản.
Đối với thẻ tín dụng, khách hàng có thể chi tiêu trước trả tiền sau.
Mỗi khách hàng khi mở thẻ sẽ được cấp một hạn mức tín dụng, là số tiền tối đa mà chủ thẻ được chi tiêu. Hạn mức thẻ tín dụng phụ thuộc vào năng lực tài chính của chủ thẻ tại thời điểm mở thẻ.
Ví dụ, thẻ tín dụng của Agribank hiện nay được miễn lãi trong 55 ngày. Nghĩa là trong vòng 55 ngày kể từ khi phát sinh khoản chi tiêu, nếu khách hàng thanh toán kịp thời thì không phải trả bất cứ khoản lãi nào. Nếu thanh toán sau 55 ngày thì phí thanh toán hàng tháng cũng chỉ 2% trên tổng dư nợ. Ngoài ra, chủ thẻ chỉ phải trả 50 đến 100 ngàn phí thường niên hàng năm.
Trong trường hợp phát sinh tình huống bất khả kháng dẫn đến mất khả năng trả nợ, các công ty tài chính mong muốn khách hàng chủ động chia sẻ thông tin để có giải pháp phù hợp.
Có một thực trạng là khá nhiều khách hàng khi gặp khó khăn lại không dám thổ lộ với tổ chức tín dụng. Nhiều khách hàng vẫn giữ liên lạc rất tốt nhưng thấy chậm trễ thanh toán, tổ chức phát hành hỏi tình hình thì câu trả lời đầu tiên luôn là: Tôi sẽ trả. Tuy nhiên, khi các đơn vị cho vay hỏi sâu, khách hàng mới nói có khó khăn việc làm, bị mất việc.
Theo các tổ chức phát hành là công ty tài chính, hiện nay có đủ hành lang pháp lý để giãn nợ, cơ cấu nợ cho khách hàng khi gặp khó khăn, mất việc làm hay bị tai nạn đáng tiếc khiến việc trả nợ bị gián đoạn.
Tuy nhiên, bản thân các đơn vị cho vay không thể tự ý giãn nợ hay cơ cấu nợ nếu thông tin đó chưa được xác thực từ phía khách hàng.
Bên cạnh sự hợp tác từ người đi vay, các công ty tài chính cũng mong muốn nhận được sự phối hợp thông tin từ phía doanh nghiệp sử dụng người lao động. Bởi lẽ, thẻ tín dụng là cấp tín dụng tuần hoàn, quay vòng liên tục. Do đó, các công ty tài chính rất cần cập nhật thông tin thường xuyên của chủ thẻ để biết thu nhập của khách hàng hiện nay là bao nhiêu, tăng hay giảm, còn làm việc hay nghỉ việc. Có như vậy, các đơn vị cung cấp tín dụng mới có sự điều chỉnh phù hợp và quản lý rủi ro được tốt, đảm bảo chất lượng tín dụng.
Các tổ chức tài chính nhấn mạnh đây chỉ là hoạt động phối hợp cung cấp thông tin chứ không phải ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Các công ty tài chính không yêu cầu doanh nghiệp phải bảo lãnh hoặc thanh toán thay hay có trách nhiệm đi thu nợ hộ khi phát sinh khoản nợ của cán bộ, công nhân viên của công ty đó. Đây là những điểm khác biệt giữa các đơn vị phát hành là công ty tài chính với ngân hàng, trong đó có Agribank.
Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc quốc gia Công ty Công nghệ tài chính tích hợp trí tuệ nhân tạo Israel - Paretix tại Việt Nam và Campuchia, cho rằng chính sách của Chính phủ là khuyến khích phổ cập tài chính toàn diện. Tuy nhiên, câu chuyện cốt tử của các ngân hàng hay công ty tài chính vẫn là quản trị rủi ro, bởi cho vay ra thì phải thu hồi lại.
CHẤM ĐIỂM TÍN DỤNG ĐỂ KHÔNG BỎ LỌT NGƯỜI YẾU THẾ?
Theo ông Nam, với nhóm khách hàng dưới chuẩn ngân hàng, nếu sử dụng cách truyền thống thì vướng mắc vô cùng trong quá trình thẩm định hồ sơ vay. Đặc biệt, nếu đề cập ngay đến chuyện chứng minh thu nhập thì bài toán sẽ không có lời giải. Bởi vì, những người có thu nhập tự do như tiểu thương, lao động tự do đang ngày càng đông đảo trong nền kinh tế chia sẻ hiện nay… Họ có thể là người bán hàng online, tài xế công nghệ, giúp việc theo giờ… Việc chứng minh thu nhập của họ rất khó khăn…
Chính bởi vậy, xu hướng hiện nay là chấm điểm tín dụng cá nhân dựa trên nhiều nguồn dữ liệu. Trong đó, có các dữ liệu phát sinh trong đời sống hàng ngày của người đi vay như giao dịch của khách hàng trên sàn thương mại điện tử, các khoản thanh toán của khách hàng (điện thoại, tiền điện, tiền nước, cáp truyền hình, Internet)… Tất cả dữ liệu đó sẽ được đưa vào hệ thống để xác định rủi ro tín dụng của khách hàng trước khi cấp hạn mức thẻ tín dụng nội địa hoặc cấp hạn mức cho vay…
Như vậy, sẽ giúp các tổ chức cho vay dễ dàng đánh giá được khả năng trả nợ của khách hàng thuận lợi hơn…
Theo ông Nam, hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân dựa trên dữ liệu lớn và phong phú cũng giúp các tổ chức tài chính tiết kiệm chi phí trong vận hành rất nhiều so với quy trình phê duyệt cho vay truyền thống, vốn chỉ sử dụng các dữ liệu mà khách hàng cung cấp, thông qua các đơn vay...
Với sự hỗ trợ của công nghệ, các tổ chức có thể tiết giảm bớt nhân sự thẩm định khoản vay. Thời gian thẩm định cũng được rút ngắn.