Ngân hàng Nhà nước cho biết việc sửa đổi Thông tư 11 là cần thiết để phù hợp với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sửa đổi các khái niệm tại Điều 3 Thông tư 11: (i) Khái niệm bảo lãnh ngân hàng tại khoản 1, (ii) Khái niệm bảo lãnh đối ứng tại khoản 2, (iii) Khái niệm xác nhận bảo lãnh tại khoản 3, (iv) Khái niệm bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai tại khoản 4, (v) Khái niệm bên được bảo lãnh tại khoản 7, (vi) Khái niệm khách hàng tại khoản 11, (vii) Nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với bên mua, thuê mua trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai tại khoản 15.
Dự thảo bổ sung khái niệm: “Văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai” tại khoản 13 Điều 3.
Dự thảo sửa đổi Điều 13 Thông tư 11 về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai một số nội dung như: Bỏ điều kiện đối với ngân hàng thương mại được thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai; bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai; bổ sung cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai; quy định cụ thể về nội dung, thời hạn văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai….
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi tiết b, khoản 1 Điều 14 Thông tư 11 quy định về tài liệu về khách hàng, bổ sung quy định cung cấp thông tin người có liên quan của khách hàng khi đề nghị cấp bảo lãnh. Sửa đổi Điều 17 bổ sung thẩm quyền ký văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh. Sửa đổi khoản 1 Điều 19, bổ sung thỏa thuận các loại phí. Sửa đổi Điều 34 quy định trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước để phù hợp với các quy định mới.
Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024: “2. Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng cho khách hàng thông qua việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên có nghĩa vụ khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ bắt buộc và hoàn trả cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thỏa thuận”.
Như vậy, khái niệm bảo lãnh tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có sự thay đổi theo hướng tổ chức tín dụng thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho “bên có nghĩa vụ” hàm nghĩa cho phép sự xuất hiện của bên thứ 4 trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng, đó là ngoài việc khách hàng đề nghị tổ chức tín dụng bảo lãnh chính mình, khách hàng còn đề nghị tổ chức tín dụng bảo lãnh cho bên khác, ví dụ công ty mẹ đề nghị tổ chức tín dụng bảo lãnh cho công ty con.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các nội dung tại Dự thảo Thông tư được quy định rõ ràng và phù hợp; không mâu thuẫn với các nội dung quy định tại các văn bản pháp luật khác về cùng một vấn đề. Việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 11 giúp hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về bảo lãnh ngân hàng nhằm phản ánh đầy đủ thực tế hoạt động bảo lãnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng thông suốt và hiệu quả.