Biến chủng Omicron của Covid-19 lan rộng khắp thế giới trong ngày Chủ nhật (28/11), khi các ca nhiễm được phát hiện ở thêm nhiều quốc gia gồm Hà Lan, Đan Mạch và Australia. Các quốc gia áp vội áp hạn chế đi lại để chống lại biến chủng này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng hiện chưa rõ liệu Omicron, biến chủng được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, có dễ lây hơn các biến chủng khác hay không và có gây bệnh nặng hơn hay không.
“Dữ liệu ban đầu cho thấy tỷ lệ nhập viện gia tăng ở Nam Phi, nhưng đó có thể do tổng số ca nhiễm tăng, thay vì một sự lây nhiễm cụ thể nào đó”, WHO cho biết. Tổ chức này nói rằng “sẽ phải mất từ vài ngày đến vài tuần để hiểu về mức độ nghiêm trọng của Omicron”.
Việc phát hiện biến chủng Omicron đã khiến thế giới hoảng hốt. Các quốc gia nhanh chóng triển khai các biện pháp hạn chế đi lại mới và thị trường tài chính bán tháo trong phiên ngày thứ Sáu vì lo ngại rằng biến chủng mới có thể kháng vaccine và gây đảo lộn sự phục hồi kinh tế còn mong manh vào thời điểm thế giới chuẩn bị bước sang năm thứ ba của đại dịch.
Chính phủ Anh cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn giữa các bộ trưởng bộ y tế nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) vào ngày thứ Hai để thảo luận về các diễn biến liên quan đến biến chủng Omicron.
Nhà chức trách Hà Lan tuyên bố đã phát hiện 13 ca nhiễm biến chủng Omicron trên hai chuyến bay từ Nam Phi đến Amsterdam vào hôm thứ Sáu. Hà Lan đã xét nghiệm toàn bộ hơn 600 hành khách trên hai chuyến bay này và phát hiện 61 ca Covid, tiếp đó họ xét nghiệm các ca Covid này để xác định những người mắc biến chủng Omicron.
“Đây có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế Hà Lan Hugo de Jonge nói với các nhà báo.
Hôm thứ Sáu, WHO đã phân loại Omicron là “biến chủng đáng lo ngại”, đồng nghĩa biến chủng này có thể có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng trước đây. Đến hiện tại, các ca nhiễm Omicron đã được ghi nhận ở một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Australia, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Hồng Kông, Israel, Italy, Hà Lan, Pháp, Canada và Nam Phi.
Một bác sỹ người Nam Phi thuộc nhóm bác sỹ đầu tiên phát hiện biến chủng Omincron nói rằng các triệu chứng trên bệnh nhân mắc biến chủng này đến thời điểm hiện tại là nhẹ và người mắc có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, WHO đã nhanh chóng lên tiếng khuyến cáo Nam Phi cảnh giác.
Israel hiện là nước triển khai nỗ lực mạnh tay nhất để chống Omicron. Vào cuối ngày thứ Bảy, nước này tuyên bố sẽ tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và tái áp dụng công nghệ theo dõi điện thoại chống khủng bố nhằm truy dấu các ca nhiễm, ngăn chặn sự lây lan của biến chủng mới. Chính phủ Israel dự kiến áp dụng các biện pháp này trong 14 ngày và hy vọng khoảng thời gian đó là đủ để hiểu rõ về tác dụng của các vaccine hiện có với biến chủng Omicron.
Tiến sỹ Anthony Fauci, chuyên gia cấp cao nhất về bệnh truyền nhiễm của Chính phủ Mỹ, đã gặp Tổng thống Joe Biden vào ngày Chủ nhật để bàn về biến chủng Omicron. Tại cuộc gặp, ông Fauci nói với ông Biden rằng sẽ phải mất khoảng 2 tuần để có những thông tin rõ ràng hơn về khả năng lây nhiễm và các đặc tính khác của biến chủng này. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết ông Fauci tin rằng các vaccine hiện có “có thể mang lại một mức độ bảo vệ nhất định chống lại khả năng nhiễm Covid thể nặng”.
Chính phủ Anh đã công bố những biện pháp hạn chế mới bao gồm xét nghiệm chặt chẽ hơn đối với người nhập cảnh và bắt buộc đeo khẩu trang trong một số tình huống. Cuối tuần vừa rồi đã có thêm nhiều quốc gia, gồm Indonesia, Thái Lan và Saudi Arabia, tuyên bố dừng các chuyến bay từ các nước miền Nam châu Phi.
Về phần mình, Nam Phi cho rằng các hạn chế như vậy là không công bằng và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này, rằng Nam Phi đang bị trừng phạt vì không đủ năng lực khoa học để phát hiện sớm các biến chủng của Covid-19.
“Việc cấm đi lại không được thông báo bởi khoa học, và cũng chẳng mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này. Điều duy nhất việc đó có thể làm là gây thiệt hại kinh tế cho các quốc gia bị ảnh hưởng”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu ngày Chủ nhật.
Biến chủng Omicron xuất hiện trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang đương đầu với một làn sóng lây nhiễm mới và một số nước đã phải hạn chế các hoạt động xã hội để chống lại sự lây lan của Sars-CoV2. Biến chủng mới cũng làm dấy lên lo ngại về chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu. Một số nước phát triển đã triển khai mũi tiêm thứ ba, trong khi chưa đầy 7% dân số của các nước nghèo đã được tiêm mũi đầu tiên.