Đã có những nhà nhập khẩu thép lợi dụng sự không rõ ràng trong việc quy định mã số hàng hóa để gian lận thương mại.
Ngày 24/3/2009, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã gửi Công văn số 28/HHTVN trình Thủ tướng Chính phủ thông tin về cuộc họp của Hiệp hội Thép Đông Nam Á tại Trung Quốc ngày 18/3/2009. Đồng thời, phản ánh và kiến nghị giải pháp chống hiện tượng hàng nghìn tấn thép cuộn được “hóa phép” thành thép hợp kim để được hưởng mức thuế 0% tràn vào Việt Nam.
VSA cho biết thời gian vừa qua đã nhận được thông tin từ một số công ty thành viên kiến nghị về lô hàng thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong tháng 1 và tháng 2/2009, chủ hàng là Công ty Thép Thành Long (Hưng Yên). Công ty này khai với hải quan là thép cuộn hợp kim để được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%, nên bán ra thị trường với giá rẻ hơn so với thép cuộn sản xuất trong nước từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn.
Nhằm làm sáng tỏ điều này, một số công ty đã lấy mẫu lô hàng SAE10B17, SAE1008B, SAE10B06 của Công ty Thành Long đưa đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam để kiểm tra.
Qua phân tích và kiểm tra mẫu lô hàng trên, trung tâm trên khẳng định, căn cứ vào biểu thuế xuất nhập khẩu áp dụng ngày 1/1/2009 của Bộ Tài chính đối với mã hàng 7227 (áp dụng cho các dạng thanh và que hợp kim khác, dạng cuộn không đều) thì các mác thép SAE10B17, SAE1008B, SAE10B06 không phải là thép hợp kim nên không thuộc diện được hưởng mức thuế là 0%.
Do đó, những mẫu thép trên là loại thép thông thường được dùng làm thép xây dựng thuộc mã Hải quan 7213/99/00/90 với mức thuế nhập khẩu là 12%.
Từ kết quả thu được cho thấy, lượng thép nhập khẩu của Công ty Thép Thành Long không phải là thép hợp kim mà chính là thép thông thường, chỉ khác là có thêm chút ít (0,005%) hàm lượng chất Bo (để làm cứng thép).
Hàm lượng Bo tuy rất nhỏ nhưng lại giúp cho doanh nghiệp nhập khẩu dễ dàng lách luật, trốn thuế với khoản tiền rất lớn. Bởi, nếu là thép cuộn thông thường sẽ phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 12%, nhưng do có thêm chất Bo, thép thường “nghiễm nhiên” biến thành thép hợp kim, được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 0%. Chỉ với một mẹo nhỏ nhưng công ty này đã “qua mặt” được các cơ quan chức năng.
Ông Hong Wan Pyo, Tổng giám đốc Công ty Thép không gỉ Dongbang của Hàn Quốc (thành viên mới của VSA) cho biết: hầu hết thép nhập từ Trung Quốc đều có chất lượng không tốt, nguyên tố Bo thêm vào chỉ nhằm để được miễn thuế nhập khẩu. Như vậy, nếu không áp đặt thuế nhập khẩu đối với thép hợp kim, đặc biệt là nguyên tố Bo thêm vào, sẽ không bao giờ giảm được sản phẩm chất lượng thấp nhập từ Trung Quốc.
Ngày 11/3/2009, VSA đã có kiến nghị Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường và Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) kiểm tra, xác minh lại những lô hàng thép cuộn nói trên để có biện pháp ngăn chặn kịp thời những hiện tượng gian lận thương mại gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, nhất là trong giai đoạn kinh tế suy thoái, các nước dư thừa thép tìm mọi cách xuất khẩu vào thị trường Việt Nam để chèn ép sản xuất trong nước. Cùng với đó, có biện pháp ngăn chặn kịp thời tránh thất thu thuế của Nhà nước, bảo đảm công bằng cho các công ty sản xuất thép.
Như vậy, với gần 29.000 tấn thép “hợp kim” do Công ty Thép Thành Long nhập vào Việt Nam trong thời gian vừa qua, nếu xác định đúng đây là hành vi trốn thuế như phản ánh của các thành viên VSA, thì rất có khả năng công ty này sẽ bị truy thu thuế hơn 10 tỷ đồng.
Tại cuộc họp Hiệp hội Thép Đông Nam Á ở Thượng Hải (Trung Quốc) vừa qua, một số nước ASEAN cũng đã phản ánh hiện tượng thép cuộn nhập khẩu có thêm chất Bo để biến thành thép hợp kim nhằm trốn thuế cũng đã xảy ra với nước họ.
Trong cuộc đối thoại giữa Hiệp hội Thép ASEAN với Hiệp hội Thép Trung Quốc, VSA đã đưa vấn đề này ra với phía Trung Quốc. Đáp lại, phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam gửi danh sách những công ty đã xuất khẩu các loại thép này để họ can thiệp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate