August 14, 2008 | 16:31 GMT+7

Thép, xi măng chờ người mua

Giá thép giảm liên tục trong hai tuần gần đây khiến nhiều nhà thầu phải... ngạc nhiên

Giá thép trong tháng 8/2008 sẽ có thể giảm thêm nếu sức mua vẫn yếu.
Giá thép trong tháng 8/2008 sẽ có thể giảm thêm nếu sức mua vẫn yếu.
Dù giá giảm khá mạnh nhưng sức mua thép, xi măng vẫn không cao.

Các nhà sản xuất đang ra sức o bế nhà phân phối, đại lý để cứu vãn sức mua nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Diễn biến này trái ngược hẳn với vài tháng trước, khi đó giá tăng từng ngày, người bán luôn ra điều kiện với bên mua.

Giá giảm vẫn khó bán

Giá thép giảm liên tục trong hai tuần gần đây khiến nhiều nhà thầu phải... ngạc nhiên, đôi lúc không tin vào các bản báo giá của nhà cung cấp.

Ông Nguyễn Quốc Đại, giám đốc doanh nghiệp xây dựng Minh Thông (quận 7, Tp.HCM), cho biết so với đầu tháng 7/2008, giá thép đã giảm ít nhất 2-2,5 triệu đồng/tấn. "Mua bao nhiêu cũng có, thép phi 6 và 8 chỉ còn 18,9 triệu đồng/tấn, được đại lý bao chở đến nơi trong khi trước đây là hơn 21 triệu đồng/tấn", ông Đại nói.

Sau khi giảm giá bán 1-1,5 triệu đồng/tấn vào cuối tháng bảy, đầu tháng 8/2008, một số doanh nghiệp sản xuất thép lại giảm thêm, tổng cộng giá thép đã giảm 2-3 triệu đồng/tấn, giá giao tại nhà máy hiện chỉ còn 18,2-18,5 triệu đồng/tấn.

Theo ông Đại, giá thép bán lẻ trên thị trường giảm chậm hơn so với mức giảm của nhà máy, còn chênh khoảng 0,8-1 triệu đồng/tấn vì phần lớn các cửa hàng bán lẻ đã mua lại thép của nhà phân phối khi giá còn cao nên chưa thể giảm nhiều, dù sức mua trên thị trường rất yếu.

Người phụ trách kinh doanh của một công ty cổ phần thép xác nhận việc giảm giá bán là do thị trường đang rơi vào mùa tiêu thụ yếu nhất trong năm. "Mưa liên tục làm tốc độ xây dựng giảm, nhiều công trình xây dựng khác lại chưa khởi công hoặc làm cầm chừng, nhà sản xuất phải giảm giá bán để tăng sức mua", ông này nói.

Tổng công ty Thép Việt Nam trụ sở phía Nam cũng đã giảm giá bán thép phục vụ các công trình xây dựng cao tầng với mức giảm 300.000-340.000 đồng/tấn, dù giá bán của doanh nghiệp này đã thấp hơn các nhà máy của tư nhân và liên doanh ít nhất 500.000 đồng/tấn.

Giá thép tại thị trường phía Bắc èo uột hơn phía Nam, bình quân hiện chỉ còn 17,5 triệu đồng/tấn.Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA), sức mua tại các tỉnh phía Bắc hiện đang rất thấp.

Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra với xi măng. Chị Huỳnh Anh, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Huỳnh Anh (quận 7, Tp.HCM), cho biết với giá bán dao động 65.000-69.000 đồng/bao, các điểm bán lẻ chỉ còn lời khoảng 500 đồng/bao nhưng sức mua vẫn giảm đến 60% so với tháng trước.

Giá còn giảm thêm

Do sức mua yếu nên một số nhà sản xuất phải mạnh tay chiết khấu cho các nhà phân phối. Ngoài chiết khấu còn có thể linh hoạt hơn về thời hạn thanh toán tiền.

Người phụ trách kinh doanh của một liên doanh xi măng cho biết tuy không giảm giá bán xi măng nhưng phải mạnh tay chi chiết khấu cho các nhà phân phối. Ông này cũng cho biết tùy theo chính sách chiết khấu của từng doanh nghiệp, nhưng tối thiểu hiện nay các nhà phân phối chính sẽ nhận được khoản hỗ trợ 5.000-10.000 đồng/tấn nếu gia tăng lượng mua hàng ở thời điểm này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép lại chi mức chiết khấu cho các nhà phân phối, đại lý chính từ 30.000-100.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, một chủ thầu cho biết dù chiết khấu "hấp dẫn" nhưng họ cũng không vội vì đã lỡ ôm hàng khi thép 20-20,5 triệu đồng/tấn. Bây giờ phải đẩy hàng để thu tiền trả nợ vay ngân hàng.

Vì vậy theo các chuyên gia, giá thép trong tháng 8/2008 sẽ có thể giảm thêm nếu sức mua vẫn yếu. Đặc biệt đợt giảm giá này còn có sự tham gia của các nhà phân phối và giá đến tay người tiêu dùng sẽ không còn quá chênh lệch với giá bán ra của các nhà máy.

Tương tự, giá xi măng cũng có thể giảm dù các nhà sản xuất cho biết không thể giảm thêm giá bán do giá clinker nhập khẩu vẫn ở mức cao. Việc các nhà sản xuất tăng chiết khấu cho các nhà phân phối cũng là cơ sở để giảm giá bán xi măng. Nhà phân phối nào muốn tăng lượng hàng bán ra thì có thể giảm bớt mức chiết khấu được hưởng để giảm giá bán xi măng.

Các chuyên gia cũng cho rằng tới đây giữa các nhà phân phối phải cạnh tranh với nhau về mức giá bán để tiêu thụ hàng thông qua giảm mức chiết khấu được hưởng.

(Theo Tuổi Trẻ)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate