October 07, 2024 | 14:29 GMT+7

Thi hành xong hơn 8.500 tỷ đồng cho 6.630 nhà đầu tư của vụ án Tân Hoàng Minh

Đỗ Mến -

Ngày 7/10, tại họp báo quý 3/2024 của Bộ Tư pháp, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, trong vụ án Tân Hoàng Minh, tổng số tiền chi trả đạt 8.547 tỷ đồng/8.644 tỷ đồng. Tổng số bị hại đã được bị thi hành án là 6.630/6.407 hồ sơ thi hành án...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Còn vụ án FLC, ngày 5/8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã ban hành bản án sơ thẩm vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, Tổng cục Thi hành án dân sự đang theo sát tiến trình tố tụng, khi bản án có hiệu lực thi hành thì thi hành và cố gắng đạt được kết quả cao nhất.

Nhắc tới vụ án Vạn Thịnh Phát, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết đây là vụ án cực kỳ phức tạp với giá trị lớn, số lượng nhà đầu tư lên tới hàng chục nghìn người. Từ vụ việc Tân Hoàng Minh, FLC và các vụ án tham nhũng khác, Tổng cục thi hành án dân sự nhận thấy có một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, Tổng cục thi hành án dân sự có chỉ đạo, nhưng các cục thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, trong việc tiếp nhận vật chứng, rà soát nội dung cáo trạng, bản án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh nếu có. Việc chủ động phối hợp nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Thứ hai, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong phạm vi, thẩm quyền rà soát và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thụ lý, tổ chức thi hành án ngay khi bản án có hiệu lực ở trong cả 2 giai đoạn như chuẩn bị nguồn nhân lực, trang thiết bị để tổ chức thi hành án…. Chúng tôi làm rồi và tiếp tục làm.

Thứ ba, tại Tổng cục thi hành án dân sự, chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị chuyên môn xây dựng dự thảo, kế hoạch chỉ đạo tổ chức thi hành án kết thúc vụ việc thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án từ việc ra quyết định thi hành án, thông báo kết quả thi hành án, thẩm định giá, bán đấu giá… Chúng tôi đều có chỉ đạo và anh em đã có những phương án để thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt, chúng tôi cũng tăng cường nguồn lực, vật lực…

"Trong thời gian tới nếu được bổ sung biên chế, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các địa phương, đặc biệt các địa phương lớn như TP Hà Nội, TPHCM sẽ bổ sung biên chế kịp thời đảm bảo thi hành có hiệu quả", đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự nói thêm.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, về việc, đã thi hành xong hơn 621.568 việc, tăng 45.901 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 83,86% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,61% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao trên 83,25%.

Về tiền, thi hành xong 117.349 tỷ 257 triệu 059 nghìn đồng, tăng 27.843 tỷ 730 triệu 309 nghìn đồng (tăng 31,11%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 51,46% (tăng 5,01%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,01% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao trên 46,45%.

Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc với hơn 22.000 tỷ đồng.

Về kết quả thi hành án hành chính, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.973 bản án, tăng 599 bản án so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 73.7%). Số bản án Tòa án đã ra quyết định buộc Thi hành án hành chính là 652 bản án.

Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định (tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023); số bản án bị hủy, hoãn, tạm đình chỉ thi hành: 11 bản án; số bản án đang tiếp tục thi hành: 1.066 bản án, chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2023 và năm 2024.

Ngoài ra, từ ngày 22/6/2024 đến 23/9/2024, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 6 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 48 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh nội dung thẩm định theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp tập trung có ý kiến về giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn về sản xuất - kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate