September 22, 2021 | 06:00 GMT+7

Thí sinh đạt 3 điểm 10 vẫn có thể trượt đại học?

Thanh Xuân -

Hiện tượng này đang gây ra sự khó hiểu khiến xã hội đặc biệt quan tâm xen lẫn một số bất bình, thắc mắc….  

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm nay, điểm chuẩn của nhiều trường đại học tăng mạnh. Một số ngành vọt cao so với dự báo, khiến nhiều thí sinh "sốc" khi điểm “chót vót” nhưng vẫn trượt nguyện vọng.

61 THÍ SINH ĐẠT 29,5 ĐIỂM NHƯNG KHÔNG TRÚNG TUYỂN

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả nước có 61 thí sinh đạt tổng 29,5 điểm xét tuyển nhưng không đỗ nguyện vọng nào.

Cụ thể, Học viện Chính trị công an nhân dân năm nay có điểm chuẩn cao nhất là 30,34 với chỉ tiêu 50 sinh viên nhưng tới 800 thí sinh đăng ký. Thực tế này dẫn đến tỉ lệ chọi khó khăn nên nhiều em đã bị loại. Trong đó, 50 thí sinh trượt khi có số điểm trên 29,5.

Những thí sinh còn lại rải rác ở một số trường như  Đại học Hồng Đức tỉnh Thanh Hóa với ngành Sư phạm chất lượng cao lấy 30,5 điểm và Lịch sử chất lượng cao lấy 29,75 trong khi chỉ tiêu là 15 sinh viên.

Nếu không tính khối trường công an, quân đội thì có 5 ngành lấy điểm chuẩn từ 29,5 trở lên gồm: hai ngành của Đại học Hồng Đức; hai ngành Đông Phương học (29,8 điểm khối C00) và Hàn Quốc học (30 điểm khối C00) của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; một ngành là Ngôn ngữ Trung Quốc (39,35/40, tiếng Trung hệ số 2) của Đại học Ngoại thương.

Như vậy nhiều thí sinh có điểm thi gần “chạm trần”, thậm chí là tuyệt đối 30/30 điểm với ba điểm 10 ở cả ba môn của tổ hợp xét tuyển đại học nhưng vẫn trượt. Hiện tượng trên đã gây ra sự khó hiểu cho xã hội và “sốc”  đối với thí sinh dự thi cũng như xen lẫn bất bình của phụ huynh.

Được biết, ngay sau khi điểm chuẩn được công bố, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống kê năm nay cả nước có 30 mã ngành lấy điểm chuẩn cao hơn năm 2020 từ 9-11 điểm, có 265 ngành tăng từ 5 điểm trở lên, chiếm 8%. Ghi nhận nhiều ngành tại các trường đại học top đầu trên cả nước tiếp tục có điểm đầu vào ở mức “chót vót”. Việc nhiều ngành lấy trên 29, thậm chí là tuyệt đối 30/30 điểm, cá biệt có ngành trên 30 điểm dường như không phải là hiếm.

Năm 2021 số thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông là hơn 1 triệu thí sinh, tăng hơn 11% so với năm ngoái. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là 795.000, tăng 24% so với 2020. 

SỐ THÍ SINH ĐĂNG KÝ TĂNG TRONG KHI CHỈ TIÊU ÍT THAY ĐỔI

Lý giải việc điểm chuẩn tăng mạnh khiến nhiều thí sinh đạt điểm thi tuyệt đối vẫn trượt nguyện vọng, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn là do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một trường hoặc một ngành tăng đột biến trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh ít thay đổi. Chính tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh đã ảnh hưởng đến xu hướng chọn ngành của các thí sinh.

Theo Thứ trưởng, trong hoàn cảnh rất đặc biệt do ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, các em có thể dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển vào đại học, không phải vất vả dự thi nhiều lần, đó là thành công lớn của kỳ thi này mà chúng ta cần nhìn nhận. Việc các trường tốp trên có điểm chuẩn cao cũng cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các trường, các ngành.

Nhìn nhận về xu hướng tuyển sinh sắp tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng các trường được tự chủ trong phương thức tuyển sinh. Trước khi lựa chọn phương thức nào, các cơ sở đào tạo cần phân tích kỹ các dữ liệu, từ điểm đầu vào đến quá trình học, chương trình học để từ đó quyết định phương thức phù hợp với trường mình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các trường cùng hợp tác liên kết để xây dựng các phương án xét tuyển khác, ngoài phương thức xét tuyển từ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong đó lưu ý việc xây dựng các kỳ thi, bài thi để các em chỉ cần dự thi ít lần, tránh vất vả cho thí sinh.

Chia sẻ về vấn đề trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho biết, điểm chuẩn một số ngành rất cao do năm nay phổ điểm các môn khối khoa học xã hội cao, số lượng điểm 10 nhiều hơn hẳn so với các năm trước. Ngoài ra, chỉ tiêu vào ngành học này vốn không cao nhưng nhà trường đã tuyển thẳng hơn một nửa. Đây cũng là lý do vì sao điểm chuẩn dành cho số thí sinh còn lại xét tuyển vào ngành sẽ cao. Từ đó dẫn đến việc một số trường hoặc ngành dù thí sinh có 30 điểm nhưng không có điểm ưu tiên vẫn trượt.

Còn dư luận thì cho rằng vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi có phần nhẹ nhàng hơn mọi năm nên điểm thi các môn cao hơn. Thêm nữa, nhiều trường đã cắt giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ còn từ 30% - 50% và dành chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức khác như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Do đó, cơ hội cho những thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng  giảm đi nên sự cạnh tranh gay gắt hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate