Chiều 23/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã có trả lời báo chí về công tác chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019.
Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng Ban chỉ đạo thi
Để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tốt nhất, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức kỳ thi, thành lập Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia.
Đầu tháng 5/2019, Bộ đã thành lập 8 đoàn kiểm tra trực tiếp đến các địa phương để nắm bắt tình hình và kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, khó khăn của Hội đồng thi trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: yêu cầu các địa phương phải chủ động và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về chất lượng và đảm bảo an toàn tuyệt đối kỳ thi THPT quốc gia 2019, Thứ trưởng khẳng định, lãnh đạo các địa phương đã vào cuộc sát sao, chỉ đạo chi tiết từng khâu chuẩn bị cho kỳ thi.
Hiện 63 tỉnh/thành phố đã lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh do Phó chủ tịch làm trưởng ban, thậm chí một số nơi Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng ban.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng, ngoài Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, nhiều địa phương còn thành lập Ban chỉ đạo thi cấp huyện để giúp chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức kỳ thi ở các điểm thi được chu đáo. Các lực lượng như: Công an, Y tế, Điện lực, Giao thông, Đoàn thanh niên…được huy động tham gia Ban chỉ đạo kỳ thi và có phân công trách nhiệm cụ thể tới từng thành viên.
Các phương án đảm bảo an toàn, an ninh cho khu vực thi, nơi bảo quản đề thi, vận chuyển đề thi, hỗ trợ thí sinh và cán bộ làm thi ở vùng khó khăn; phương án ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra như thiên tai, thí sinh hoặc cán bộ bị ốm trong khi thi…cũng đã được Ban chỉ đạo thi các địa phương xây dựng cụ thể.
Một số địa phương có khó khăn trong chuẩn bị tổ chức kỳ thi hoặc phương án tổ chức chưa tối ưu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hỗ trợ, điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể. Công tác in sao đề thi đã được các hội đồng thi thực hiện nghiêm túc, chu đáo, bảo mật, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.
Đến thời điểm hiện tại, các công việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại 63 cụm thi trên cả nước đã hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Bộ trực tiếp chỉ đạo chấm thi trắc nghiệm
Để ngăn ngừa các tiêu cực có thể xảy ra, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, kỳ thi năm nay được tổ chức về cơ bản giữ nguyên phương thức thi như 2 năm trước, song có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình.
Một số thay đổi cụ thể như: trường Đại học/Cao đẳng phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường Đại học/Cao đẳng thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT; Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường Đại học chủ trì.
Cùng với đó là đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, "đánh phách điện tử" Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng...
Thứ trưởng Độ nhấn mạnh, năm nay, Bộ đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia làm thi phải đảm bảo nắm vững chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao.
Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị các địa phương, trường đại học phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng cho từng cán bộ tham gia làm thi, có tập huấn chi tiết, để đảm bảo rõ người, rõ việc, nắm chắc quy chế, làm đúng quy trình, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất. Công tác thanh tra, giám sát năm nay được tăng cường.
Với những Hội đồng thi gặp khó khăn do nhân sự mới ít kinh nghiệm hoặc thiếu nhân sự như Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La…Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường đại học tăng cường phối hợp.
Đồng thời, Bộ cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ tối đa về nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo trước ngày thi, tất cả các khâu của kỳ thi đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, để kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để sai sót ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.
Đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Đề tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Đề thi sẽ có nhóm các câu hỏi ở mức độ cơ bản để phục vụ xét tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi với độ khó phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.