Tại các siêu thị, giỏ quà Tết, bánh mứt kẹo đã lên kệ từ cuối tháng 12, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân. Chưa vào lúc sắm Tết cao điểm nhất, nhưng riêng tại khu vực bánh mứt kẹo của các siêu thị lớn, người tiêu dùng tìm hiểu, mua sắm đã khá đông. Nhân viên quầy hàng tại siêu thị MM Mega Market Phạm Văn Đồng (Hà Nội) cho biết, bánh mứt kẹo là mặt hàng có thời hạn sử dụng dài, nên nhiều người tiêu dùng tranh thủ sắm Tết sớm để có nhiều thời gian so sánh, lựa chọn.
HÀNG VIỆT “PHỦ SÓNG”
Ghi nhận của phóng viên tại hệ thống các siêu thị lớn như Big C Thăng Long, AEON Mall, Co.opmart, Lotte Mart, MM Mega Market, WinMart… các loại bánh mứt kẹo của Việt Nam được trưng bày nổi bật, bắt mắt và luôn chiếm ưu thế trên các kệ hàng. Đại diện các hệ thống siêu thị cho biết, năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều phân khúc hàng hóa khác nhau.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Dung cho hay, các sản phẩm bánh kẹo đặc trưng Tết năm nay chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao của các thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Bibica, Orion, Hải Hà...
Tương tự, hệ thống siêu thị LOTTE Mart cũng chú trọng sản phẩm của Việt Nam, người Việt tiêu dùng hàng Việt do đó tỷ lệ của sản phẩm bánh mứt kẹo của Việt Nam tại hệ thống siêu thị lên đến 65%. Về phần người tiêu dùng, đại diện hệ thống siêu thị cho biết, do sản phẩm Việt có giá cả dễ chịu hơn so với sản phẩm nhập khẩu và tình hình kinh tế hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, nên gần 70% khách hàng lựa chọn mua sắm sản phẩm Tết là hàng Việt Nam.
Nhìn chung, năm nay mặc dù nguyên liệu đầu vào có tăng nhưng sản phẩm bánh mứt kẹo Tết đều không tăng giá, thậm chí một số loại có giá thấp hơn ngày thường do các nhà cung cấp thực hiện chương trình giảm giá. Cụ thể các loại bánh quy có giá phổ biến 49.000-300.000 đồng/hộp tùy chất lượng, mẫu mã, bao bì (hộp giấy hoặc hộp thiếc), các loại kẹo 50.000-200.000 đồng/kg, các loại mứt tết, hạt, trái cây sấy khô có giá phổ biến 35.000-350.000 đồng/kg, gói tùy trọng lượng, bao bì... Ngoài ra, các sản phẩm như hạt dưa, hạnh nhân, mắc ca, hạt điều, hạt sen sấy, hạt dẻ, do doanh nghiệp trong nước sản xuất có giá bán dao động ở mức 65.000 đến 70.000 đồng/kg…
Giám đốc Marketing Công ty Mondelez Kinh Đô Sameer Yadav cho biết, cùng với việc chú trọng bình ổn giá và gia tăng chất lượng sản phẩm cho mùa Tết, Mondelez Kinh Đô đã đưa hàng đến gần 100.000 điểm bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa trên cả nước. Các sản phẩm của Mondelez Kinh Đô cũng được phủ sóng rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, cùng với kênh online của các chuỗi siêu thị Co.opmart, Big C… Bên cạnh đó là những chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường 350 tấn sản phẩm. Ngoài các loại mứt truyền thống, công ty giới thiệu nhiều sản phẩm mới như mứt mận, hồng bì, hibicus... Các sản phẩm bánh, mứt năm nay cũng được thay đổi về mẫu mã, hình ảnh bao bì, bảo đảm tính thẩm mỹ và tiện lợi trong sử dụng. Phó Tổng Giám đốc Công ty Vương Trọng Tuấn thông tin, đơn vị vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung. Trong quá trình sản xuất, công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, nhiều thương hiệu trong nước như: Bibica, Hữu Nghị, Hồng Lam, Vinamit… đã tung ra nhiều sản phẩm mới như kẹo mềm ngũ quả, phúc lộc thọ, phát tài, phát lộc với ý nghĩa mang đậm chất truyền thống, có ý nghĩa sum họp gia đình dịp Tết. Cùng với đó, nhiều mẫu đặc biệt mang ý nghĩa may mắn như hộp kẹo hình thỏi vàng, hoa mai, đồng tiền may mắn… cũng được ra mắt trong dịp này. Riêng các loại bánh cao cấp hộp thiếc có bao bì khá sắc sảo, không thua kém hàng ngoại nhập, giá cả cũng phải chăng.
NỖ LỰC CHIẾM LĨNH THỊ TRƯỜNG
Đánh giá cao nỗ lực đổi mới để chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng các sản phẩm, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Qua đó, các doanh nghiệp đã chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng... Tuy nhiên, để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, doanh nghiệp cần mở rộng thêm phân khúc phục vụ như tầng lớp trung lưu, người lớn tuổi thay vì chỉ nhắm vào gia đình hoặc trẻ em.
Tương tự, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Các doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để đáp ứng thị hiếu của người dân. Đến nay, có thể khẳng định nhiều mặt hàng "made in Việt Nam" đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là thay đổi tâm lý "sính hàng ngoại nhập" của người tiêu dùng. Hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua bởi sự thay đổi căn bản về mẫu mã và chất lượng, chưa kể giá cả cũng hợp lý trong bối cảnh kinh tế khó khăn".
Tuy nhiên bánh kẹo là một trong những mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất, từ hình thức đến nội dung với mức độ tinh vi. Cảnh báo tới người dân về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: "Với riêng bánh, mứt, kẹo, để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng thường gia tăng vào dịp Tết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hoạt động sản xuất, mua bán, khu vực tập kết hàng hóa của tư thương nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm", ông Kiên nhấn mạnh.
Thị trường bánh kẹo tại Việt Nam đã tạo ra doanh thu 8,5 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10,17%. Mặc dù thuế nhập khẩu bánh kẹo từ các quốc gia ASEAN vào Việt Nam đã giảm xuống 0%, nhưng bánh kẹo sản xuất trong nước vẫn tiếp tục nắm giữ thị trường, chiếm hơn 90% tổng doanh số bán bánh kẹo của cả nước.
Về xu hướng tiêu dùng, người dân Việt Nam, đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại thực phẩm ít béo, ít đường và ít calo. Nguyên do là tỷ lệ béo phì ngày càng tăng, quá trình đô thị hóa và thay đổi lối sống, cũng như ý thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đang dần quan tâm hơn đến các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Nắm bắt xu hướng này, các công ty cũng đang hướng đến xu hướng phát triển bền vững, ưu tiên tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm, lựa chọn các thành phần có nguồn gốc thân thiện với môi trường, đồng thời cân nhắc sử dụng vật liệu đóng gói có thể tái chế để giảm lượng khí thải carbon…