Ngày 22/12, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng. Báo cáo của Bộ trích dẫn đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu thị trường và một số địa phương cho thấy trong nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản lâm vào tình trạng trầm lắng, đến 06 tháng cuối năm, thị trường đã có những tín hiệu tích cực hơn. Trong đó, lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều...
CÔNG TÁC THÁO GỠ MỚI Ở BƯỚC ĐÔN ĐỐC, CHỈ ĐẠO
Mặc dù vậy, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Vướng mắc lớn nhất là về các thủ tục pháp lý. Đồng thời, thiếu hụt nguồn cung ở các phân khúc nhà ở, đặc biệt thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Giá bất động sản, nhất là chung cư tăng cao, làm hạn chế cơ hội sở hữu nhà ở của những người có nhu cầu mua ở thực. Số lượng giao dịch và thanh khoản đã chuyển biến nhưng còn chậm. Việc cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm, xuống cấp tuy đã được quan tâm nhưng còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm so với yêu cầu.
Cụ thể, về nguồn cung nhà ở, Bộ Xây dựng cho biết tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc. Tính đến hết quý 3/2023, cả nước mới hoàn thành 42 dự án nhà ở thương mại với khoảng 15.966 căn, chỉ bằng 46,15% so với năm 2022; hoàn thành 17 dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú, bằng 56,67% so với năm trước và hoàn thành xây dựng 05 dự án nhà ở xã hội với quy mô 850 căn hộ...
Về giá giao dịch, theo tổng hợp báo cáo và thông tin khảo sát đánh giá của các địa phương, các tổ chức nghiên cứu thị trường, thì giá bán căn hộ liên tục tăng cao do nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, giá nhà ở thấp tầng và một số loại phân khúc bất động sản khác giảm từ 10 - 20%, tùy vị trí của từng khu vực.
Về tổng lượng giao dịch, tính đến hết quý 3, cả nước có khoảng 324.378 giao dịch thành công, đạt khoảng 41,29% so với 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền, khi chỉ bằng 35,79% so với năm trước. Còn lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ chỉ bằng 63,07% so với 2022.
Về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong năm qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Tp.HCM; Hà Nội; Đà Nẵng; Hải Phòng; Cần Thơ; Đồng Nai; Bình Thuận; Bình Định… về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.
Tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản. Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 126 văn bản; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét, xử lý theo thẩm quyền 12 văn bản và ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án... cho các địa phương.
Nhìn chung, các địa phương đều đang tích cực rà soát, tổng hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn, nhưng hầu hết mới chỉ là các đôn đốc, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho một cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết hoặc báo cáo xin ý kiến hướng dẫn.
THƯỜNG XUYÊN BÁM SÁT THỊ TRƯỜNG ĐỂ KỊP THỜI ĐIỀU CHỈNH
Do đó, một số nhiệm vụ quan trọng của Bộ Xây dựng trong năm tới là tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 và Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030); Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp…
Tổ công tác liên ngành cũng sẽ làm việc với một số địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bộ Xây dựng còn cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; theo dõi tình hình thực hiện việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ tại các địa phương; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tích cực triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể;
Đồng thời, hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản và thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật đối với thị trường bất động sản, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức thực hiện các Quyết định về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025…