October 07, 2021 | 08:44 GMT+7

Thị trường bất động sản: Khi được "cởi trói" sẽ tăng mạnh mẽ

Thanh Xuân -

Trong khi các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, trái phiếu... rất khó dự đoán thì thị trường bất động sản vẫn tăng mạnh mẽ, không có tình trạng đóng băng. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang kênh bất động sản...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát với lệnh giãn cách kéo dài trong nhiều tháng đã tác động nghiêm trọng đến thị trường bất động sản cả nước. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hiện nay.

  NHU CẦU ĐẦU TƯ KHÔNG GIẢM

Tại tọa đàm “Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới” diễn ra tại Hà Nội vào chiều 6/10, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định: Trong 2 năm xuất hiện Covid-19, thị trường bất động sản có trầm lắng nhưng chỉ một thời gian nhất định và đến khi được cởi trói lập tức bật tăng mạnh mẽ.

Cụ thể, trong quý 3/2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy rằng vẫn có hàng vạn giao dịch  ngay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra ở một số khu vực. Dù thực tế nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm, nhất là các nhà đầu tư F0.

Theo ông Đính, ở Việt Nam cứ một dự án ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của ASEAN là 5 năm. Đặc biệt cứ sau mỗi đợt dịch bùng phát thì xuất hiện hàng loạt cơn sốt đất trên cả nước. Đây là điều mà các nhà đầu tư bất động sản châu Á ghen tị với thị trường bất động sản Việt Nam.

Ngoài ra, ông Đính cho biết, nếu các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, trái phiếu... rất khó dự đoán thì thị trường bất động sản vẫn tăng mạnh mẽ, không có tình trạng đóng băng. Điều đó cho thấy sức khỏe, nội lực của thị trường này rất tốt. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang kênh bất động sản.

Đặc biệt theo ông, lĩnh vực này đã thích nghi với dịch bệnh, thể hiện qua việc ứng dụng công nghệ để giới thiệu sản phẩm và giao dịch với khách hàng. Nhờ vậy mà bất động sản vẫn “tồn tại” trong hoàn cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC chia sẻ: Chính năm 2020 mới là thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản bởi thời điểm này dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện, các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị tốt để phòng tránh các tác động của dịch bệnh.

Đến thời điểm hiện nay, dù dịch bệnh nhưng các dự án đầy đủ pháp lý vẫn có sức thanh khoản cao, mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2021, do có kinh nghiệm trong phòng chống dịch nên các doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng so với 2020.

Theo ông Quyết, thị trường bất động sản ở Việt Nam rất nhiều tiềm năng bởi tâm lý chung, người Việt muốn sở hữu bất động sản, nhiều người có tiền sẽ nghĩ đến mua đất, mua nhà. Ông cũng đưa ra lời khuyên cho  các nhà đầu tư bất động sản, ở đâu có thanh khoản, có thị trường thì đầu tư, không chạy theo "sốt". Nếu là nhà đầu tư cá nhân, chỗ nào thấy "sốt" là bán ngay.

ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN VẪN NHIỀU KỲ VỌNG

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, có 4 ý chính để nói về thị trường. Đầu tiên, bất động sản thường có xu hướng phát triển trở lại cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Hiện nay cả nước vẫn "chưa khoát khỏi tâm trạng buồn" của những chỉ số tăng trưởng âm. Do đó, những biện pháp giúp hàng hóa, tiền tệ lưu thông cần nhiều thời gian để phục hồi nhưng khá rõ nét.

Thứ hai, thị trường bất động sản thế giới đang có sự phục hồi nhanh, có thể yếu tố giúp cho bất động sản trong nước đi lên.

Thứ ba, số lượng giao dịch thực ở quý cuối năm nay đang có dấu hiệu tăng. Không chỉ các nhà phát triển chọn thời điểm tung hàng cuối năm mà người mua cũng tự tin hơn khi xuống tiền.

Và cuối cùng, nền kinh tế chịu nhiều tác động mạnh từ dịch bệnh, sẽ cần sự ưu tiên chính sách. Làm sao cho nền kinh tế vận hành trơn tru thì càng tốt. Đó là điều kiện tiên quyết giúp cho bất động sản trở lại đà tăng trưởng.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đề cập thêm về xu hướng tiêu dùng "trả thù". Đầu tiên, về yếu tố dịch bệnh, thời gian đầu tiêm chủng chậm, nhưng 40 ngày trở lại đây rất nhanh, đây là điều kiện quan trọng để quay lại trạng thái bình thường. Thứ hai, chiến lược chống dịch thay đổi, cũng là tiền đề quan trọng. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi, dù có khó khăn, năm nay tăng tưởng kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng dương. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới là 6% trở lên.

"Đầu tư bất động sản vẫn còn nhiều kỳ vọng. Hai năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam thì bất động sản vẫn là điểm sáng, thanh khoản, giá cả tốt. Xét về góc độ người tiêu dùng lại khó khăn vì giá tăng. Điều này phản ánh dịch chuyển về lối sống, sống xanh, sống tốt, vui vẻ, ăn toàn, kéo theo xu thế dịch chuyển bất động sản", ông Thành nói.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn có những tín hiệu tích cực và khi dịch Covid-19 được kiểm soát, dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện một số Nghị định về lĩnh vực bất động sản đồng thời đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate