March 06, 2023 | 11:02 GMT+7

Thị trường bất động sản Trung Quốc có dấu hiệu “tan băng”

Bình Minh -

Đánh giá mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và giới phân tích cho thấy thị trường bất động sản nước này đã bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc sau gần 2 năm chìm trong khủng hoảng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNS.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNS.

Với tình hình dịch Covid-19 bớt căng thẳng và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đã được gỡ bỏ, giao dịch nhà đất ở Trung Quốc gần đây đã tăng lên - truyền thông Trung Quốc đưa tin trước thềm khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên vào cuối tuần vừa rồi. Trong đánh giá đưa ra vào hôm thứ Sáu (3/3), PBOC cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy sự dịch chuyển êm ái của lĩnh vực bất động sản sang một mô hình phát triển mới.

Theo thông tấn Tân Hoa Xã, giới chuyên gia ghi nhận rằng việc Trung Quốc nỗ lực hồi sinh thị trường bất động sản không phải là một phần trong nỗ lực kích cầu ngắn hạn dành cho nền kinh tế, mà nhằm hỗ trợ cho sự phát triển ổn định và lành mạnh của ngành này trong dài hạn.

TÍN DỤNG BẤT ĐỘNG SẢN CHẢY MẠNH HƠN

Tân Hoa Xã dẫn lời Phó thống đốc PBOC Pan Gongsheng nói rằng gần đây, khi các chính sách trọng điểm mà Bắc Kinh đã triển khai phát huy tác dụng, thị trường nhà đất Trung Quốc bắt đầu có được sự cải thiện niềm tin và giao dịch diễn ra nhiều hơn. Môi trường vốn của ngành bất động sản, nhất là vốn cấp cho các chủ đầu tư chất lượng cao, đã được cải thiện nhiều - ông Pan nhấn mạnh tại một cuộc họp báo vào hôm thứ Sáu.

Tháng 1 năm nay, vốn vay cấp cho các dự án phát triển bất động sản vượt mức 370 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 53,6 tỷ USD, tăng 220 tỷ Nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn huy động từ phát hành trái phiếu bất động sản trong nước đạt 40 tỷ Nhân dân tệ, tăng 23% so với cùng kỳ 2022.

Theo ông Pan, Chính phủ Trung Quốc đang dành sự quan tâm lớn cho sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Với nguyên tắc “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”, nước này đã thực thi triệt để cơ chế dài hạn đối với thị trường bất động sản nhằm bình ổn giá nhà đất và kỳ vọng về giá nhà đất, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành này bằng chính sách cụ thể của từng địa phương.

Ông Pan nói rằng bằng cách làm như vậy, Trung Quốc đã kiềm chế được sự phát triển nhanh chóng quá mức của thị trường bất động sản, tốc độ tăng giá quá đà và bong bóng trên thị trường này.

Từ nửa sau của năm 2021, một số doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc như Evergrande đã lâm vào khủng hoảng nợ, khi bảng cân đối kế toán của họ bị đặt vào tình trạng rủi ro cao. Cuộc khủng hoảng này, cộng thêm với sự suy yếu dài hạn của nhu cầu trên thị trường nhà đất, ảnh hưởng của đại dịch và mức thu nhập kỳ vọng giảm xuống, đã khiến thị trường “tụt dốc không phanh”.

Trao đổi với tờ Thời báo Hoàn cầu, ông Yan Yuejin - Giám đốc nghiên cứu của công ty E-House China R&D Institute ở Thượng Hải - nhận định rằng tình trạng “căng thẳng cao độ” đã xuất hiện tại một số chủ đầu tư bất động sản, nhưng vấn đề này được kỳ vọng sẽ được giải quyết thông qua các chính sách tài chính của Chính phủ Trung Quốc nhằm cải thiện cán cân thanh toán của các chủ đầu tư.

NGƯỜI DÂN ĐI XEM NHÀ NHIỀU HƠN

Cuối năm ngoái, để ứng phó với những biến động trên thị trường địa ốc, PBOC đã đưa ra một nhóm giải pháp gồm 16 điểm nhằm hỗ trợ cả nguồn cung và nhu cầu trên thị trường.

Về phía nhu cầu, Chính phủ Trung Quốc triển khai chính sách tín dụng nhà ở tuỳ theo từng địa phương và tiếp tục hướng dẫn giảm lãi suất cho vay thực tế và tỷ lệ tiền đặt cọc khi mua nhà, nhằm hỗ trợ tốt hơn nhu cầu của những người thực sự cần nhà ở.

Theo ông Pan, đến tháng 12 năm ngoái, lãi suất bình quân của các khoản vay mua nhà đã giảm 1,4 điểm phần trăm so với mức ở thời điểm cuối năm trước. Phần lớn các địa phương hiện đã đạt tới mức đáy theo quy định toàn quốc về giới hạn dưới của tỷ lệ tiền đặt cọc khi mua nhà.

“Tiềm năng của nhu cầu sở hữu nhà là rất lớn, đặc biệt là nhu cầu nâng cấp nhà”, ông Yan nói và cho biết sẽ có thêm sự hỗ trợ cho nhu cầu này từ lĩnh vực tài chính-ngân hàng.

Về phía nguồn cung, PBOC đã hướng dẫn các ngân hàng cung cấp vốn như bình thường để duy trì dòng vốn ổn định và có trật tự trên thị trường bất động sản. Cùng với đó, PBOC mở một quỹ đặc biệt có quy mô 350 tỷ Nhân dân tệ để đảm bảo việc hoàn thành dự án đúng tiến độ, đồng thời mở một chương trình cho vay trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ dành cho các dự án bị “kẹt” vốn, cùng một chương trình cho vay 100 tỷ Nhân dân tệ khác cho các dự án nhà cho thuê.

Song song với việc cấp vốn, PBOC hướng dẫn các ngân hàng thương mại hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu và mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành bất động sản.

Theo hãng tin Bloomberg, số khách mua nhà tiềm năng đi xem nhà ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng mạnh gần đây, đối với cả những căn nhà đã qua sử dụng và nhà mới. Trong tháng 2, bình quân có khoảng 178.000 lượt xem nhà đã qua sử dụng tại các thành phố lớn nhất, bao gồm Thẩm Quyến và Thượng Hải, tăng 86% so với thời điểm tháng 11 khi Trung Quốc vẫn còn áp dụng Zero Covid.

Đối với nhà mới, cứ 100 đơn vị nhà lại có bình quân 63 lượt xem trong tuần thứ ba của tháng 2 vừa qua, mức cao nhất kể từ giữa năm 2021.

Phó giám đốc Xu Yuejin của China Index Holdings nhận định: “Để ổn định nền kinh tế, chính quyền có thể sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ người mua nhà lần đầu và những người có mong muốn đổi lên căn nhà tốt hơn. Điều này sẽ mở đường cho việc nới lỏng thêm chính sách sau kỳ họp Quốc hội lần này của Trung Quốc”.

Ngoài ra, theo ông Xu, sẽ có thêm các thành phố lớn của Trung Quốc nới lỏng hạn chế về mua nhà, dù việc nới lỏng có thể chỉ diễn ra ở những khu vực ít quan trọng hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate