Theo công ty tư vấn CB Insights, thị trường thiết bị làm đẹp cá nhân toàn cầu được định giá 60,49 tỷ USD vào năm 2022 và được dự báo sẽ đạt giá trị 236,77 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 18,60%. Đấy là vì người tiêu dùng ngày càng am hiểu công nghệ, họ không chỉ đơn giản là mua một sản phẩm, mà họ còn muốn dịch vụ đi kèm được tối ưu hóa cho nhu cầu cá nhân. Đây cũng là cơ hội lớn cho những thương hiệu làm đẹp để giữ chân khách hàng, tạo lòng tin và độ trung thành lâu dài.
LÀM ĐẸP BẰNG AI VÀ AR
Những năm gần đây, các thương hiệu tên tuổi và những startup trong ngành mỹ phẩm đều đang khai thác công nghệ AI, AR (thực tế ảo tăng cường) nhằm mang lại cho người tiêu dùng cảm giác “đắm chìm” vào thế giới trải nghiệm và khám phá. Kể từ sau Triển lãm Điện tử tiêu dùng thế giới (CES) 2020, người tiêu dùng toàn cầu đã dần quen với các thiết bị “Beauty Tech”. Chẳng hạn, nếu muốn kiểm tra sức khỏe làn da của mình, bạn có thể thử chiếc Lumini Home của LuluLab. Chiếc gương của công ty Hàn Quốc cho phép bạn biết tình trạng da mặt của bạn – quá khô hay nhờn, và cần những trị liệu gì.
Sau đó, ghé qua L’Oréal, dùng app Perso tích hợp công nghệ AR để xem trước màu son đó có phù hợp với mình hay không. Chưa hết, ứng dụng này còn tích hợp trí tuệ nhân tạo để quét làn da người dùng, từ đó đề xuất nên pha hỗn hợp serum như thế nào cho phù hợp với làn da và thời tiết. Còn những ai mê trang điểm sẽ phải để mắt đến chiếc gương YouCam của Neutrogena. Chiếc gương này sẽ quét gương mặt bạn, rồi dựa trên hình dạng khuôn mặt và màu da để đề xuất nhiều kiểu trang điểm khác nhau.
Tại CES 2023 hồi đầu năm nay, L'Oréal ra mắt mẫu máy in Brow Magic dùng để in lông mày. Sản phẩm này được mô tả là “dụng cụ trang điểm lông mày điện tử cầm tay” giúp định hình lông mày một cách nhanh chóng, dễ dàng và chính xác mà không cần sử dụng cọ hoặc cây chuốt mascara. Hơn nữa, Brow Magic còn sử dụng thực tế tăng cường AI ModiFace để giúp đảm bảo lông mày mà in ra chính xác phù hợp với khuôn mặt của bạn hay đề xuất các hiệu ứng dựa theo từng khuôn mặt.
Hiện tại L’Oréal, Shiseido, Amorepacific là ba trong số các công ty mỹ phẩm lớn nhất thế giới đang chạy đua đầu tư vào công nghệ làm đẹp. Trong đó, L’Oréal chơi trội nhất khi 4 năm trước đã đầu tư hẳn vườn ươm công nghệ, quy tụ hơn 1.000 công ty khởi nghiệp. Không giống như L’Oréal, Shiseido tập trung vào cách công nghệ có thể thiết lập dịch vụ cá nhân hóa. “Vẫn chưa có công ty mỹ phẩm nào có thể tích hợp cá nhân hóa vào mô hình kinh doanh của họ. Nếu dẫn đầu trong lĩnh vực này, chúng tôi có thể đánh bại các đối thủ toàn cầu lớn hơn”, Chủ tịch Shiseido Masahiko Uotani nói với tờ Nikkei Asian.
Tại một đất nước nổi tiếng về ngành công nghiệp làm đẹp như Hàn Quốc, theo AsiaTechDaily, những ứng dụng của AI và Dữ liệu lớn trong thị trường công nghệ làm đẹp đang mở rộng nhanh chóng. Công ty sản xuất sản phẩm chăm sóc cá nhân Chowis Co. đã lắp đặt hai ki-ốt không cần nhân viên, được đặt tên là “mySkin Kiosk” và “myHair Kiosk” - sử dụng AI để chẩn đoán da và tóc, sau đó cung cấp cho khách hàng các giải pháp chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp tùy chỉnh trên cơ sở kết quả thu được.
Chowis gần đây đã thâm nhập thị trường Mỹ thông qua sự hợp tác với các đối tác địa phương và ra mắt Precision Skin DermConcept, một dịch vụ chẩn đoán da tại nhà trên nền tảng công nghệ AI tại Anh. Bằng cách theo dõi tình trạng da thông qua một ứng dụng, dịch vụ này cung cấp thông tin để bác sĩ và dược sĩ kê đơn mỹ phẩm mới cho người dùng hàng tháng. Ryan Choi, Giám đốc điều hành của Chowis cho biết “AI là một công nghệ rất quan trọng để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường làm đẹp toàn cầu”.
TIỀM NĂNG CỦA BEAUTY TECH VIỆT NAM
Trong những năm vừa qua, nhiều quốc gia đã thúc đẩy ngành làm đẹp trở thành ngành công nghiệp chiến lược, tạo ra hàng nghìn công ty mới với hàng triệu việc làm và mang về doanh thu hàng chục tỷ USD. Tại Việt Nam, ngành chăm sóc sắc đẹp dù có bước khởi đầu chậm hơn các quốc gia khác trong khu vực nhưng cũng đang tăng trưởng không ngừng.
Hàng nghìn doanh nghiệp, trung tâm đào tạo và các spa, phòng khám, bệnh viện hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ được mở ra và phát triển nhanh chóng. Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá thập kỷ tới sẽ là “thập kỷ vàng” của ngành spa và chăm sóc sắc đẹp, là cơ hội tốt cho các startup làm đẹp phát triển.
Tại Đại hội Công nghiệp ngành làm đẹp Quốc gia (National Aesthetic Industry Summit), TS. Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trọng tài Quốc tế Việt Nam đánh giá rằng cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của người Việt đang đi lên, mở ra một thị trường tiềm năng cho các thiết bị Beauty Tech. Tuy vậy, ngành này tại Việt Nam vẫn còn có khoảng cách khá xa so với các nước phát triển, cả về công nghệ lẫn chất lượng.
Trong đó, thách thức lớn nhất của việc đưa công nghệ vào các công đoạn chăm sóc sắc đẹp là tìm ra sự hài hòa giữa nhu cầu mang tính cá nhân và cách triển khai công nghệ hiệu quả. Thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch quan trọng, nơi tất cả người tiêu dùng đều mong muốn những trải nghiệm liền mạch trên sản phẩm. Từ một chiếc máy rửa mặt, cho đến các loại máy sử dụng ánh sáng để điều trị vấn đề về da… các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn thử nghiệm các công nghệ có thể hỗ trợ con người trong việc làm đẹp.
Tiếp nối sự thành công của năm trước, Beauty Tech 2023 cũng đã quay trở lại và được hứa hẹn sẽ là một sân chơi tuyệt vời dành cho những cá nhân và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp làm đẹp tại Việt Nam. Được phát động lần đầu tiên tại Diễn đàn Kết nối công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam – Lào năm 2023, Beauty Tech 2023 là một cuộc thi đặc biệt trong ngành thẩm mỹ, làm đẹp, tập trung vào sự phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực làm đẹp và thẩm mỹ.
Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, cuộc thi khởi nghiệp từ ý tưởng sáng tạo của sinh viên “L’Oréal Brandstorm Việt Nam” đã thu hút hơn 2.200 sinh viên từ 70 trường đại học đăng ký tham gia. Đề tài của cuộc thi năm nay tập trung vào ý tưởng sử dụng sức mạnh công nghệ AR, AI và VR để "Mở khóa cho các quy tắc về cái đẹp".
Cuối cùng, đội RMIFConquerors đến từ Trường đại học RMIT Việt Nam với phát kiến "Also Artist" đã chiến thắng chung cuộc. Phát kiến này là công nghệ giúp lưu giữ bản quyền tác phẩm của các nghệ sĩ trang điểm bằng cách chuyển đổi từng tác phẩm cụ thể thành NFT (tài sản số không thể thay thế).
Theo dữ liệu từ Statista, năm 2023, Statista dự đoán doanh thu từ thị trường bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam đạt mức 2,36 tỷ USD, dự kiến đạt 2,69 tỷ USD vào năm 2027. Tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt giai đoạn 2023 – 2027 ước đạt 3,32%. Trong khi đó, báo cáo của Q&Me cho biết có tới 95% số người tham gia khảo sát cho biết họ sử dụng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp ít nhất một lần/tuần. Trong số này, có 62% sử dụng ít nhất hai lần/tuần. Điều này chỉ ra rằng nhu cầu mua sắm và chăm sóc sắc đẹp ngày càng tăng tại Việt Nam.