Theo báo cáo của Metric, một nền tảng cung cấp số liệu thương mại điện tử, đến tháng 5/2024, tổng doanh thu ngành tiêu dùng nhanh ở các sàn bán lẻ trực tuyến Việt Nam ước tính đạt khoảng 37 nghìn tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo cho biết, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng như sức khỏe, dinh dưỡng, và chăm sóc cá nhân. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến ước đạt 156.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn theo báo cáo Beauty & Personal Care – Vietnam của Statista, dự kiến doanh thu của thị trường mỹ phẩm & chăm sóc cá nhân tại Việt Nam sẽ đạt 2,66 tỷ USD vào năm 2024. Dự kiến thị trường này sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 2,97% (CAGR 2024-2028). Phân khúc lớn nhất trong thị trường là chăm sóc cá nhân, ước tính đạt giá trị thị trường 1,17 tỷ USD vào năm 2024.
Xét về quy mô dân số, doanh thu bình quân đầu người tại Việt Nam dự kiến đạt 26,77 USD vào năm 2024. Doanh thu bình quân đầu người trong thị trường mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân tại Việt Nam được dự báo sẽ liên tục tăng từ năm 2024 đến năm 2028, tổng cộng 2,7 đô la Mỹ (+ 10,09%). Sau 8 năm liên tiếp tăng, chỉ số này ước tính đạt 29,43 đô la Mỹ và do đó sẽ đạt đỉnh mới vào năm 2028.
Nếu như trước đây, thị trường chăm sóc cá nhân chỉ bán các thanh xà phòng, sữa tắm hay dầu gội, kem đánh răng đơn giản, thì giờ đây các thương hiệu tung ra đủ loại sản phẩm từ dầu dưỡng, kem dưỡng, kem tẩy tế bào chết, dầu gội nhuộm tóc, muối tắm, dung dịch rửa mắt cho đến tinh dầu xông hơi cho cơ thể.
Nhân khẩu học lão hóa nhanh chóng đã tăng cường sự quan tâm mạnh mẽ đối với các sản phẩm dành cho người trưởng thành, tập trung vào mục tiêu cuối cùng là duy trì cơ thể trong tình trạng tốt, bảo vệ cơ thể khỏi những tác động xấu của môi trường và quá trình lão hóa, thay đổi diện mạo và làm cho cơ thể có mùi dễ chịu hơn.
Knight Frank, một công ty tư vấn bất động sản của Anh, đánh giá số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao tại Việt Nam (tài sản trên 30 triệu USD) dự kiến sẽ đạt 978 người vào năm 2028, tăng 30% so với năm 2023. Một nghiên cứu của KPMG Việt Nam cũng dự báo từ 2020 - 2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 5,5%, thuộc top quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Tầng lớp trung lưu tăng nhanh đã thúc đẩy thị trường bán lẻ, thể hiện rõ qua báo cáo kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2024 do Tổng cục Thống kê mới công bố. Doanh thu bán lẻ ước đạt 3.199,7 nghìn tỷ đồng và tăng 7,3% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng nổi bật ghi nhận tại một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội.
Trong bối cảnh này, nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước cũng đang chớp lấy thời cơ bán hàng cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Việt Nam. Theo Nikkie Asia, Takashimaya - chuỗi các trung tâm mua sắm cao cấp của Nhật Bản mới đây cho biết sẽ tham gia thị trường bán hàng cho doanh nghiệp tại TP. HCM vào năm tới, với mục tiêu mở rộng mạng lưới khách hàng doanh nghiệp và cá nhân giàu có.
Takashimaya có chi nhánh tại TP. HCM từ năm 2016, bên trong tòa nhà Saigon Center. Đó là lần đầu tiên một chuỗi bách hóa của Nhật Bản đặt chân vào Việt Nam. Khu phức hợp cung cấp mỹ phẩm, quần áo trẻ em, bánh kẹo và các mặt hàng khác. 8 tháng năm 2024, doanh số của Takashimaya tại TP. HCM đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Chuỗi đặt mục tiêu doanh số tại đây sẽ sớm leo lên vị trí thứ hai trong số các cửa hàng chính của hãng ở nước ngoài, chỉ sau chi nhánh tại Singapore.
Tiêu dùng cá nhân dự kiến sẽ tăng trưởng ở Việt Nam, nhưng có rất ít nhà bán lẻ cung cấp hàng hóa cao cấp trong nước. "Số lượng các thương hiệu đã thâm nhập thị trường tại Việt Nam vẫn chưa nhiều", Yuki Hojo, Giám đốc chi nhánh Takashimaya tại TP. HCM cho biết. Điều đó có nghĩa là vẫn còn dư địa để khai thác mức tiêu thụ của những người có thu nhập cao. Cửa hàng của Takashimaya tại TP. HCM nhằm mục đích khơi dậy nhu cầu bằng cách thu hút các thương hiệu nước ngoài hiện không có mặt tại Việt Nam.
Đặc biệt, nhận thức của người tiêu dùng trung lưu và thượng lưu về các vấn đề liên quan đến sức khỏe và môi trường ngày càng cao. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến hiệu quả của sản phẩm mà còn đặc biệt chú trọng đến thành phần và nguồn gốc của chúng. Các sản phẩm hữu cơ, nhờ sử dụng nguyên liệu từ nông nghiệp không chứa hóa chất, đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người quan tâm đến sức khỏe và môi trường.
Thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ toàn cầu đạt 15.500 triệu đô la Mỹ vào năm 2019 và dự kiến sẽ vượt 22.000 triệu đô la Mỹ vào năm 2024. Trong khi đó, doanh thu trong lĩnh vực sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ và các sản phẩm liên quan tại Việt Nam đạt 2,36 tỷ đô la Mỹ trong năm 2023 và ước tính sẽ tăng trưởng kép hàng năm là 3,32% trong giai đoạn 2023 - 2027, tạo ra doanh thu lớn nhất so với các mặt hàng khác và sẽ tập trung thông qua các giao dịch bán hàng trực tuyến, theo Statista.
Tốc độ tăng trưởng ở thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân Việt Nam cho thấy xu hướng tiêu dùng hướng tới mối quan tâm về sức khỏe và môi trường, tạo ra sức hút trong đầu tư và phát triển đối với các doanh nghiệp. Trong kỷ nguyên của nền tảng điện tử và mạng xã hội, các tính năng đánh giá trực tuyến trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc truyền tải, chia sẻ, mô tả các đặc tính của sản phẩm và dịch vụ, từ đó giúp khách hàng và cộng đồng hiểu hơn về các công năng, tác động đến các ý định và hành vi cụ thể.
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt như Cocoon, Vietcoco, Cỏ Mềm, Thorakao… đã tận dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú bản địa để ghi dấu ấn trong ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, góp phần định vị Việt Nam như một mắt xích cung ứng triển vọng, tạo dựng nền tảng cho lĩnh vực làm đẹp Việt trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu.