Trong khi đó, những người thận trọng vẫn bày tỏ quan điểm e dè nhất định bởi thị trường đã có sự phục hồi rất ngoạn mục từ mức đáy của năm 2020 và không loại trừ kịch bản điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index với 2 vùng hỗ trợ gần nhất lần lượt là 1.094 và 1.067 điểm.
Đi tìm câu trả lời cho xu hướng 2021, VnEconomy đã ghi lại những quan điểm và dự báo của các công ty chứng khoán – những tổ chức trung gian được giao nhiệm vụ tạo lập thị trường và cùng kiến tạo sân chơi công bằng và minh bạch.
NHIỀU CƠ HỘI TỐT KHI ĐỊNH GIÁ CỦA THỊ TRƯỜNG CÒN THẤP
"Bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam trở thành điểm sáng của châu Á nói riêng và thế giới nói chung khi kinh tế vẫn đạt tăng trưởng dương (gần 3%).
Mặt bằng lãi suất thấp và các gói chính sách kích thích nền kinh tế được xem là một động lực quan trọng thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, phải kể tới các động lực khác như: sự hạn chế của các cơ hội đầu tư khác, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và làn sóng dịch chuyển FDI, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng trở nên lạc quan hơn khi Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh và Việt Nam duy trì tăng trưởng GDP dương.
Trong năm 2020, tuy hoạt động của Tập đoàn Yuanta trong khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, nhưng Yuanta Việt Nam vẫn được tập đoàn phê duyệt tăng vốn thêm 500 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của Yuanta Việt Nam năm 2020 cũng vượt kế hoạch hơn 20%.
Dự báo về triển vọng thị trường chứng khoán, tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan trong năm 2021. Cơ sở cho những nhận định đó bao gồm: i) một số nước đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine chống Covid 19, hy vọng dịch bệnh sẽ nhanh chóng kiểm soát trong năm 2021 và theo đó các doanh nghiệp niêm yết có thể sẽ quay trở lại mức tăng trưởng bình thường như các giai đoạn 2017-2019; ii) nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng theo mô hình chữ V nhờ hưởng lợi từ các hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại và làn sóng dịch chuyển FDI mạnh mẽ từ Trung Quốc; iii) mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp; iv) việc đẩy mạnh thoái vốn hay cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và v) câu chuyện nâng hạng thị trường là những bệ đỡ tốt cho thị trường chứng khoán trong năm 2021.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tốt trong năm 2021 khi định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực và làn sóng gia nhập nhóm nhà đầu tư mới đang gia tăng mạnh cho thấy dư địa phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất lớn trên 96 triệu dân. Tuy nhiên, rủi ro từ dịch bệnh vẫn còn cao, tính cạnh tranh trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khốc liệt, rào cản pháp lý và mức độ minh bạch vẫn còn là các thách thức của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong năm 2021, chúng tôi tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ và cung cấp cho nhà đầu tư những sản phẩm công nghệ mới. Năm 2020, chúng tôi đã triển khai sản phẩm YSRadar trên nền tảng web và sẽ chuyển sang nền tảng mobile vào 2021... Yuanta Việt Nam luôn cam kết mang lại sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt và ổn định nhất cho nhà đầu tư. Đặc biệt Yuanta Việt Nam đã và đang xây dựng các sản phẩm công cụ hỗ trợ tư vấn cho nhà đầu tư với tiếp nối từ sự thành công của hệ thống YSRadar, chuyển đổi các sản phẩm nghiên cứu phân tích truyền thống sang dạng video và tăng cường tính ổn định, bảo mật của hệ thống giao dịch".
2021 CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM SẼ CÓ NHIỀU ĐỢT "SÓNG"
"Thanh khoản tăng mạnh là điểm nhấn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020. Dòng tiền mới từ nhà đầu tư "F0" mang đến sự bùng nổ về thanh khoản cho thị trường chứng khoán. Cùng với dòng tiền từ nhà đầu tư "F0", dòng vốn từ các quỹ ETF cũng được cho là tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020. Ngoài các quỹ ETF quen thuộc như FTSE ETF, VFM VN30 hay V.N.M ETF, sự bùng nổ của các quỹ ETF nội cũng cho thấy được sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2020 là một năm đầy thách thức, tuy nhiên với Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng đã có một năm tăng trưởng tốt vượt ngoài kỳ vọng, với tổng thu nhập ước tăng 28,3% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế ước tăng 52,8% so với năm 2019.
Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều yếu tố hỗ trợ để chinh phục những mốc điểm số cao hơn 1.200 (dự đoán): i) triển vọng kinh tế phục hồi tốt trong năm 2021, dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,8-7%, ii) tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết được dự phóng tăng trưởng trung bình 25-30% trong năm 2021, theo khảo sát của Bloomberg, iii) thanh khoản thị trường được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức tốt như năm 2020 nhờ môi trường lãi suất thấp kích thích nhà đầu tư cá nhân trong nước tìm kiếm cơ hội sinh lời ở thị trường chứng khoán, và iv) dòng vốn nước ngoài quay trở lại dần khi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài đối với các thị trường cận biên & mới nổi tăng lên, và tỷ trọng của Việt Nam trong các chỉ số của MSCI Frontier Market được nâng lên từ tháng 11/2020.
Nếu phải miêu tả thị trường chứng khoán Việt Nam 2021 ngắn gọn bằng 1 từ, tôi nghĩ từ thích hợp nhất là "vượt sóng". Bước sang năm 2021, chúng ta vẫn phải kiên trì thực hiện "mục tiêu kép" phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế. "Sóng" của đại dịch Covid-19 vẫn có thể có những diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm vắc-xin phòng Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, năm 2021 được dự báo sẽ là năm chứa đựng nhiều đợt "sóng" của thị trường chứng khoán Việt Nam mà chúng ta không thể biết trước được. Vậy nên chúng ta vẫn cần nên duy trì tâm lý sẵn sàng "vượt sóng" nắm bắt cơ hội và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư của mình trong năm 2021".
KỲ VỌNG DÒNG VỐN NGOẠI SẼ QUAY TRỞ LẠI
"Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm 2020 vô cùng khởi sắc, nhờ được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm mạnh từ mức 5% của hai năm trước xuống còn 2,5-3% đối với kỳ hạn 10 năm và chỉ 1-1,5% đối với kỳ hạn 5 năm trong thời gian gần đây. Nhờ đó mà chứng khoán được đẩy lên mặt bằng giá mới cao hơn và trở thành kênh đầu tư sinh lời nhất trong năm 2020. Bên cạnh đó, với nền tảng cơ bản tốt, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trên sàn chứng khoán đang trên đà hồi phục sau đại dịch Covid-19, giúp thị trường vẫn duy trì được mức định giá hấp dẫn so với khu vực với forward P/E ở mức 13x.
Do đó, chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan đối với triển vọng thị trường trong năm 2021 bởi chúng tôi tin rằng điều kiện thuận lợi như hiện nay sẽ chưa sớm đảo ngược. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp và mở rộng tín dụng ở mức vừa phải để kích thích tăng trưởng kinh tế, ứng phó với những tác động lâu dài mà đại dịch Covid-19 để lại. Nhờ đó, VN-Index sẽ có cơ hội tốt hơn để vượt qua đỉnh cũ 1.200 điểm của năm 2018 và lập đỉnh cao mới trong năm 2021.
Trái ngược với năm 2020, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại và đây là cơ hội lớn cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Quan sát động thái bán ròng của khối ngoại trong suốt năm 2020, chúng ta vẫn có thể nhận ra điểm tích cực đến từ việc khối này liên tiếp mua ròng các chứng chỉ quỹ ETF nội và nắm giữ khoảng 90% các quỹ ETF niêm yết trên sàn HOSE. Qui mô của các quỹ ETF nội được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng khi đã giải quyết được điểm nghẽn về giới hạn room cho nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, cơ hội nâng hạng thị trường mới nổi bởi MSCI đang rất gần, điều này sẽ giúp kích hoạt hàng tỷ USD từ các quỹ ETF đầu tư vào thị trường mới nổi chảy vào Việt Nam.
Tuy nhiên, rủi ro luôn tồn tại song song với cơ hội. Do đó, ở chiều ngược lại, chúng tôi nghĩ rằng thị trường sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất khi trạng thái dòng tiền dồi dào như hiện nay không còn nữa, thậm chí bị giảm sốc. Tình huống này có thể xảy ra cùng với các biến cố vĩ mô như lạm phát tăng nhanh hơn kỳ vọng dẫn đến việc thắt chặt các chính sách tài khóa/tiền tệ; hoặc tỷ giá tăng mạnh và khó kiểm soát gây rủi ro cho dòng vốn đầu tư ngoại.
Mặc dù vậy, chúng tôi rất tin tưởng vào chính sách điều hành chủ động và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, không chỉ trong việc ngăn chặn đại dịch mà còn trong việc thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Vấn đề lạm phát và tỷ giá sẽ được tiếp tục kiểm soát tốt như đã thực hiện trong năm 2020 và mang đến một kịch bản tươi sáng hơn cho triển vọng nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán của Việt Nam trong năm 2021".
THỊ TRƯỜNG TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG
"Dự báo về triển vọng 2021, có nhiều yếu tố tích cực thúc đẩy thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng.
Trước hết, việc tiêm chủng vaccine trên quy mô toàn cầu nếu hiệu quả, dự kiến sẽ tạo ra tiền đề cho sự phục hồi mạnh hơn của nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2021. Như vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển mạnh trở lại với kết quả kinh doanh tích cực. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất thấp dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì trong năm tới sẽ làm cho dòng tiền của nhà đầu tư trong nước sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh tìm đến các kênh tài sản khác ngoài tiền gửi tiết kiệm để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn và chứng khoán chắc chắn sẽ là sự lựa chọn của không ít nhà đầu tư.
Thứ ba, "Luật Chứng khoán sửa đổi" có hiệu lực từ 1/1/2021, cùng với việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ triển khai giải pháp nâng cấp hệ thống giao dịch chứng khoán sẽ tạo ra những bước tiến quan trọng trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Qua đó dòng tiền của nhà đầu tư ngoại sẽ có thể quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm tới.
Trong năm 2021, tôi cho rằng thị trường phải đối mặt với những rủi ro, thách thức khá lớn như: diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất khó lường và có tác động lớn đến quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế; xu thế bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng trên thế giới; Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách "thao túng tiền tệ" và rủi ro lạm phát có thể quay trở lại do nguồn cung bị thắt chặt trong bối cảnh đại dịch. Với quan điểm thận trọng, VNDIRECT dự báo chỉ số VN-Index có thể tiệm cận mức 1.200 điểm trong năm 2021 dựa trên cơ sở dự báo EPS các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 23% so với cùng kỳ và P/E mục tiêu của thị trường ở mức 16 lần (tương đương P/E bình quân 5 năm).
Năm 2020 đối với VNDIRECT là một năm để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ khi ghi nhận số lượng khách hàng mới mở tài khoản giao dịch chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trên 70% so với năm 2019 và chiếm trên 30% tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trên toàn thị trường. Điều này tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của VNDIRECT về thị phần nhà đầu tư cá nhân giao dịch chứng khoán ở Việt Nam.
Năm 2020 là một năm rất vui của VNDIRECT khi chúng tôi đã có con đường rõ ràng và rất ý nghĩa cho giai đoạn phát triển 10 năm tiếp theo. VNDIRECT đã thực hiện những bước đi vững chắc trong quá trình đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh, từ việc chủ yếu chỉ tập trung vào dịch vụ môi giới giao dịch chứng khoán truyền thống sang mô hình lan tỏa tri thức, kỹ năng đầu tư và tạo dựng hệ sinh thái dịch vụ đầu tư đa kênh tài sản với mục tiêu giúp cộng đồng nhà đầu tư có được con đường hướng tới "Sức khỏe tài chính – An tâm đầu tư".
BỐN YẾU TỐ QUYẾT ĐINH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG
"Trải qua một năm 2020 biến động khó lường nhưng kết thúc lại rất tốt đẹp. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục ấn tượng với mức tăng xấp xỉ 15% so với cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân phiên của cả 3 sàn đạt tới 7.396 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước. Cũng như nhiều nhà đầu tư trên thị trường, tôi mong chờ nhiều yếu tố tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong năm 2021. Đó không chỉ là có nền tảng kinh tế, chính trị ổn định, mà còn là kỳ vọng thị trường tăng trưởng mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ củng cố thêm cho niềm tin về xu hướng tích cực.
Theo tôi có 4 yếu tố then chốt quyết định tới xu hướng của thị trường chứng khoán trong năm 2021.
Thứ nhất, tiền rẻ vẫn là điểm tựa rất lớn cho thị trường toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Phần lớn thời gian trong năm 2021 mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn ở mức thấp tương đương lãi suất cuối năm 2020. Cuối năm sau, lãi suất có thể nhích nhẹ khi cầu tín dụng, nhu cầu đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp tăng trở lại.
Thứ hai, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bật tăng mạnh trở lại từ nền thấp của năm 2020, nhờ sự hồi phục đến từ khu vực công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và sự cải thiện của cầu tiêu dùng nội địa, vốn đầu tư và xuất khẩu. BVSC dự báo GDP năm 2021 có thể tăng trưởng trên 7%.
Thứ ba, kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi cho rằng triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng là yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận sự trở lại của dòng vốn ngoại trong năm tới.
Thứ tư, triển vọng hồi phục trên diện rộng của các doanh nghiệp niêm yết. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ từ nền thấp của năm 2020, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể lên tới 25%.
Tuy nhiên, với đợt tăng điểm mạnh hiện nay của thị trường đang khiến nhiều cổ phiếu nhanh chóng đạt và vượt qua các mức giá định giá, điều này phần nào sẽ làm tăng rủi ro và giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý đến các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra đối với thị trường như các điểm nóng trong đối đầu quan hệ Mỹ - Trung, lạm phát tăng nhanh và ngân hàng trung ương các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền... Mặc dù xác suất xảy ra các sự kiện này không cao nhưng nếu nó xảy ra thì sẽ đều là những mối nguy cơ có thể tác động tiêu cực đối với diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Thị trường chứng khoán luôn là sự tranh chấp giữa kỳ vọng và quản trị rủi ro, nhưng với bối cảnh thuận lợi, tôi tin rằng năm 2021 sẽ có những thời điểm chúng ta nhìn thấy những đỉnh cao mới, lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, các nhà đầu tư cần có một chiến lược đầu tư hợp lý, lựa chọn việc phân bổ tài sản vào các danh mục khác nhau chứ không nên dồn hết vào cổ phiếu".