November 30, 2022 | 13:01 GMT+7

Thị trường con chip toàn cầu có thể suy giảm mạnh trong năm 2023

Đức Anh -

Đây sẽ là năm suy giảm đầu tiên của thị trường này kể từ năm 2019 và điều này báo trước nhiều khó khăn lớn hơn của nền kinh tế toàn cầu trong năm tới...

Thị trường chip nhớ, chiếm hoảng hơn 20% thị trường bán dẫn, cũng được dự báo suy giảm 17% trong năm 2023 - Ảnh: Reuters
Thị trường chip nhớ, chiếm hoảng hơn 20% thị trường bán dẫn, cũng được dự báo suy giảm 17% trong năm 2023 - Ảnh: Reuters

Tổ chức thống kê kinh doanh bán dẫn thế giới (WSTS) dự báo quy mô thị trường linh kiện bán dẫn toàn cầu sẽ suy giảm 4% xuống còn 557 tỷ USD trong năm 2023.

Đây sẽ là năm suy giảm đầu tiên của thị trường này kể từ năm 2019 và điều này báo trước nhiều khó khăn lớn hơn của nền kinh tế toàn cầu trong năm tới.

Thị trường chip nhớ, chiếm hoảng hơn 20% thị trường bán dẫn, cũng được dự báo suy giảm 17% trong năm 2023.

Dù các nhà sản xuất chip thời gian qua đã tăng sản lượng để đối phó với khủng hoảng nguồn cung, nhu cầu tiêu dùng đối với các thiết bị như điện thoại thông minh và máy tính đang giảm.

Áp lực với thị trường này càng tăng lên khi các công ty công nghệ khổng lồ như Microsoft và Amazon giảm đầu tư vào các trung tâm dữ liệu trong bối cảnh lợi nhuận của họ có dấu hiệu giảm sút.

Server là một trong những thiết bị sử dụng chip nhớ nhiều nhất. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu TrendForce, tăng trưởng doanh số server toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,8% trong năm 2023, từ mức tăng trưởng 5,1% của năm nay. Dù vậy, nhu cầu chất bán dẫn trong sản xuất công nghiệp và ô tô vẫn ở mức cao.

WSTS dự báo thị trường bán dẫn tại Nhật Bản, Mỹ và châu Âu sẽ vẫn ghi nhận tăng trưởng trong năm 2023. Tuy nhiên, các khu vực còn lại của châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc - thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới - sẽ chứng kiến sự suy giảm. Khu vực này chiếm hơn 30% thị trường bán dẫn toàn cầu.

Giới phân tích nhận định sức ảnh hưởng của Trung Quốc cho thấy rằng thị trường bán dẫn toàn cầu thậm chí có thể suy giảm sâu hơn so với mức mà WSTS dự báo. Việc Chính phủ nước này vẫn đang cố gắng kiềm chế dịch bệnh Covid-19 với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của các nhà máy bán dẫn. Cùng với đó, Mỹ đang tiếp tục siết kiểm soát với hoạt động xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate