Kết thúc năm 2022, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm nước ngoài cho thị trường công nghệ Ấn Độ đã giảm xuống còn 25,7 tỷ USD, giảm gần 40% so với một năm trước đó, theo nhà cung cấp dữ liệu Tracxn. Các nhà đầu tư nổi tiếng bao gồm Tiger Global, SoftBank và Sequoia Capital đã giảm hơn một nửa mức đầu tư của họ.
Sự sụt giảm không chỉ xảy ra duy nhất ở Ấn Độ, thị trường nổi tiếng với các giao dịch gây quỹ và định giá mà còn ở các khu vực lân cận như Đông Nam Á và thậm chí cả các thị trường trưởng thành như Mỹ. Và điều này đã cản trở sự tăng trưởng nhanh chóng của một thị trường từ lâu đã được coi là một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ nhất của thế giới công nghệ. Thậm chí, Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua dân số Trung Quốc trong năm nay.
Các nhà đầu tư trong nước đang lo lắng vì các khoản đầu tư không lãi của mình sau khi nguồn vốn cấp từ nước ngoài bị đình trệ và các đợt IPO bị hủy bỏ. Cũng vì thiếu vốn, các startup Ấn Độ cũng buộc phải hạn chế kinh doanh và cắt giảm nhân sự.
Sandeep Murthy, một đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Lightbox Ventures, cho biết Ấn Độ giống như một “thiếu niên điên rồ lớn lên quá nhanh”, “Những người đã đầu tư liên tục lo ngại về việc thiếu thanh khoản”. Trước đó, cuộc đàn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ trong nước trong thời kỳ đại dịch đã khiến các nhà đầu tư sợ hãi chuyển tiền sang Ấn Độ và Đông Nam Á. Tuy nhiên, lạm phát và lãi suất toàn cầu gia tăng một lần nữa làm thay đổi suy nghĩ của họ.
CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ ĐẠI CHÚNG BỊ ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ
Cổ phiếu của các công ty đại chúng hàng đầu Ấn Độ như Paytm, Zomato và Nykaa đều giảm hơn 40% trong năm vừa qua, ngay cả khi chỉ số Sensex của Ấn Độ (30 cổ phiếu lớn nhất và được giao dịch tích cực nhất trên BSE, cung cấp thước đo chính xác về nền kinh tế của Ấn Độ) đã tăng khoảng 2%.
Sunil Khaitan, người đứng đầu bộ phận thị trường vốn cổ phần Đông Nam Á tại Bank of America cho biết: “Ấn Độ vượt qua sự bùng nổ về công nghệ lâu hơn cả ở Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà đầu tư quốc tế có vượt qua được chu kỳ này hay sẽ cảm thấy khó khăn và rút lui”.
Steven Holden, người sáng lập Copley Fund Research, chuyên theo dõi định vị quỹ đầu tư trên toàn cầu, cho biết các nhà đầu tư đã “có dấu hiệu mệt mỏi” trên thị trường cổ phiếu của các công ty công nghệ Ấn Độ có vốn hóa lớn. Điều này khiến một loạt các đợt IPO phải tạm dừng. Theo Tracxn, trong khi khoảng hai chục công ty công nghệ niêm yết cổ phiếu vào nửa cuối năm 2021, thì chỉ có 8 công ty làm vậy trong cùng kỳ năm 2022.
TÂM LÝ CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ
Các nhà đầu tư mạo hiểm cho biết việc thiếu lối thoát là mối quan tâm đặc biệt với họ, vì nhiều quỹ tại Ấn Độ sắp đến hạn kết thúc giao dịch đầu tư, thời điểm xác định quỹ đầu tư đó lãi hay lỗ.
Theo giám đốc điều hành William Bao Bean, công ty đầu tư mạo hiểm Orbit Startups, cho biết, tốc độ thực hiện các thương vụ đầu tư ở Ấn Độ đã bị chậm lại, nơi họ cũng đang có 55 khoản đầu tư. Bean nói thêm rằng Orbit gần đây đã đẩy mạnh nhiều giao dịch hơn ở Pakistan, Bangladesh và Mỹ Latinh.
Ông nói: “Một trong những thách thức là thị trường thay đổi liên tục và Ấn Độ cũng vậy vì đây là chu kỳ công nghệ đầu tiên của họ. Ấn Độ đang trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế đáng kinh ngạc dựa trên công nghệ. Là nhà đầu tư dài hạn, chúng tôi sẽ có thể lạc quan vào điều này”.
Thật vậy, thị trường Ấn Độ được đánh giá sẽ tiếp tục là một trong những thị trường đáng để đầu tư trong thời gian sắp tới, với nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 6% vào năm 2023. Khu vực này cũng hấp dẫn các nhà đầu tư như một giải pháp thay thế cho Bắc Kinh trong giai đoạn căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.
Theo nghiên cứu của Bain & Company, sự sụt giảm của Ấn Độ trong các giao dịch đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân năm ngoái không lớn bằng sự sụt giảm ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Theo dữ liệu từ Tạp chí Đầu tư mạo hiểm châu Á, hoạt động gọi vốn của các công ty công nghệ giai đoạn đầu và giai đoạn tăng trưởng ở Ấn Độ thậm chí đã vượt qua Trung Quốc trong quý IV năm 2022.
Neha Singh, giám đốc điều hành của Tracxn, cho biết mặc dù bà dự đoán dòng vốn tư nhân sẽ không thay đổi trong các quý tới, nhưng IPO một lần nữa sẽ không dễ dàng và không thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho các công ty.
Kabir Narang, đối tác sáng lập tại B Capital cho biết: “Năm nay sẽ tiếp tục là một năm khó khăn trên toàn cầu và chúng ta chỉ có thể chờ xem liệu các cơ hội mới có mở ra vào cuối năm nay và năm 2024 hay không”.