July 14, 2022 | 12:20 GMT+7

Thị trường đang “test” cung, thanh khoản lại giảm sốc

Kim Phong -

Chứng  khoán Việt Nam sáng nay bất ngờ đi ngược thế giới. Chứng khoán Mỹ phản ứng khá mạnh với số liệu lạm phát cao kỷ lục trong tháng 6 giúp các thị trường châu Á xanh rực rỡ, riêng VN-Index “ngụp lặn” cả buổi dưới tham chiếu. Điểm tích cực là cũng không còn mấy người muốn bán ra, thanh khoản của HoSE thậm chí dưới ngưỡng 5 ngàn tỷ đồng...

Nhóm cổ phiếu tài chính vẫn đang hấp dẫn dòng tiền và giá mạnh hơn phần còn lại.
Nhóm cổ phiếu tài chính vẫn đang hấp dẫn dòng tiền và giá mạnh hơn phần còn lại.

Chứng  khoán Việt Nam sáng nay bất ngờ đi ngược thế giới. Chứng khoán Mỹ phản ứng khá mạnh với số liệu lạm phát cao kỷ lục trong tháng 6 giúp các thị trường châu Á xanh rực rỡ, riêng VN-Index “ngụp lặn” cả buổi dưới tham chiếu. Điểm tích cực là cũng không còn mấy người muốn bán ra, thanh khoản của HoSE thậm chí dưới ngưỡng 5 ngàn tỷ đồng.

Con số lạm phát 9,1% ở Mỹ trong tháng 6 ban đầu khiến chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh, nhưng sau đó phục hồi dần và còn giảm không đáng kể. Các nhà phân tích quốc tế chỉ rõ việc số liệu chậm chạp thể hiện giá hàng hóa trong giai đoạn tháng 6, nhưng gần đây đã giảm khá nhiều, sẽ hạ nhiệt lạm phát trong tháng 7. Thị trường chứng khoán thế giới bước vào phiên châu Á với tâm thế tương tự, giúp hầu hết các chỉ số đều xanh.

Thị trường Việt Nam lại yếu nhất thế giới, VN-Index cả phiên chỉ có vài phút là nằm trên tham chiếu. Khá bất ngờ là ngay cả khi chỉ số khỏe nhất, tăng 0,17% lúc 9h56 thì độ rộng vẫn hẹp, chỉ có 179 mã tăng/198 mã giảm. Đến cuối phiên, VN-Index giảm 0,07% tương đương 0,78 điểm thì cũng chỉ còn 123 mã tăng/302 mã giảm.

Trong số giảm giá, khoảng 124 cổ phiếu đang rớt hơn 1% giá trị là số lượng tương đối nhiều. Tuy không có hiện tượng sản cả loạt, nhưng việc độ rộng hẹp như vậy giữa bối cảnh cả thế giới không lo lắng nhiều về lạm phát là điều bất thường. Đặc biệt khi Việt Nam đang có lợi thế nhất định về kiềm chế lạm phát nhờ thay đổi chính sách thuế, cũng như giá dầu thế giới đã giảm đáng kể từ đầu tháng 7. Do đó, thị trường suy yếu chỉ có thể là do dòng tiền mua đã thoái lui.

Nếu nhìn từ góc độ này thì việc thị trường giảm giá phiên sáng nay không phải là hoàn toàn tiêu cực. Thị trường đang nhường chỗ cho người bán, nên thanh khoản sụt giảm đột biến 20% trên cả hai sàn sáng nay là tín hiệu tốt. Tổng giao dịch khớp lệnh đạt gần 5.614 tỷ đồng, thấp nhất 4 phiên. HoSE giảm 22%, đạt 4.922 tỷ đồng.

Tại HoSE, phân bổ vốn ở nhóm cổ phiếu giảm giá là 2.689,9 tỷ đồng tương đương 54,6% tổng giá trị khớp của sàn. Phân bổ vốn ở nhóm tăng giá là 2.165,7 tỷ đồng, tương đương 44%. Đây là một tương quan tốt, nếu như nhìn vào số lượng mã giảm giá nhiều gấp 2,5 lần số lượng mã tăng giá.

VN-Index yếu nhất thế giới trong phiên sáng nay.
VN-Index yếu nhất thế giới trong phiên sáng nay.

Thị trường vẫn có những cổ phiếu/nhóm cổ phiếu gây bất ngờ. Dầu khí là tiêu biểu khi giá dầu thế giới lao dốc mạnh lẽ ra sẽ gây sức ép lên nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên GAS tăng 1,97% lại là mã dẫn dắt chỉ số VN-Index mạnh nhất. PTV tăng 2,86%, BSR tăng 2,68%, PVD tăng 2,69%, PVC tăng 2,47%, PVS tăng 0,42%, PLX tăng 0,13%.

Nhóm cổ phiếu tài chính phân hóa mạnh nhưng vẫn có nhiều mã đi ngược thị trường. VCB tăng 0,28%, TPB tăng 0,38%, VPB tăng 0,36%, SHB tăng 1,03%, LPB tăng 1,81%... Nhóm chứng khoán cũng có cả chục mã tăng trên 1% như VCI, VDS, PSI, TVS...

Rổ VN30 vẫn còn 12 cổ phiếu tăng giá và chỉ 16 mã giảm, chỉ số giảm 0,1%. Midcap giảm 0,33%, Smallcap giảm 0,55%. Thị trường vẫn đang được các blue-chips giữ nhịp khá tốt, ngăn chỉ số tụt sâu và lộ diện những cổ phiếu khỏe.

Khối ngoại hôm nay gần như đứng ngoài, tổng giá trị bán chỉ là 187 tỷ đồng trên HoSE, mua vào 183,1 tỷ đồng. Mức ròng gần 4 tỷ là không đáng kể. MWG được mua tốt nhất cũng chỉ 19 tỷ ròng, GAS xấp xỉ 10 tỷ. HDB bị bán ròng nhiều nhất là 13,7 tỷ, VND, SSI khoảng 9 tỷ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate