May 18, 2011 | 16:22 GMT+7

Thị trường điện cạnh tranh: “Tư nhân nhảy vào đâu dễ”

Bảo Anh

Đại diện Hiệp hội Điện lực Việt Nam nói về khả năng tham gia vào lĩnh vực điện của các doanh nghiệp tư nhân

TS. Đàm Xuân Hiệp.
TS. Đàm Xuân Hiệp.
Bắt đầu từ tháng 7/2011, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ chính thức được vận hành thí điểm, mở đầu cho việc tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh vào năm 2022.

Kỳ vọng của người tiêu dùng là thông qua cạnh tranh, giá điện và chất lượng phục vụ sẽ theo hướng có lợi cho khách hàng. Còn với nhà đầu tư, việc tiến hành theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh bình đẳng cũng là cơ hội cho họ “chen chân” vào lĩnh vực vốn từ trước tới nay vẫn được cho là độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, TS. Đàm Xuân Hiệp, Tổng thư ký Hiệp hội Điện lực Việt Nam, Hiệu trưởng Đại học Điện lực, lại cho rằng, để chen chân được vào ngành điện không phải là chuyện dễ.

Ông Hiệp nói:

- Theo chỉ đạo của Chính phủ, thị trường điện Việt Nam sẽ được phát triển theo 3 cấp độ, bao gồm phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và cuối cùng bán lẻ điện cạnh tranh dự kiến từ năm 2022.

Việc Chính phủ chấp thuận vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ tháng 7 tới là hợp lý bởi sau nhiều năm vận hành theo cơ chế độc quyền, thị trường buộc phải dừng lại để quan sát, xem xét thêm hoặc hoàn chỉnh về mặt cơ chế.

Trước đây, không phải tự nhiên mà ngành điện được xem là độc quyền “tự nhiên”. Nó độc quyền “tự nhiên” bởi ôm cả ba khâu phát điện, truyền tải và phân phối cùng ở trong một công ty mẹ là EVN. Tuy nhiên, đến nay, ngành điện đã nảy sinh nhiều bất cập, do vậy nên mới có chủ trương thị trường hóa.

Thưa ông, thực ra những bất cập trong việc để EVN độc quyền trong một thời gian dài không phải là cơ quan quản lý không nhận ra. Nhưng tại sao, chúng ta chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp đã khá lâu trong khi ngành điện vẫn chưa thể “tư nhân hóa” được?

Thực ra từ nhiều năm trước đã có nhiều ý kiến thắc mắc điều này rồi. Tuy nhiên, có nhiều người vì họ không hiểu được bản chất của kỹ thuật ngành điện và kinh tế, nên mới có chuyện đó.

Để đầu tư một dự án hay một nhà máy điện lớn, thường phải tốn từ 300 - 500 triệu USD. Với số vốn trên, ngay các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam cũng không đủ tiền để đầu tư một dự án điện. Do đó, giả dụ chúng ta có “thả” ra từ dăm năm trước thì chưa chắc họ đã làm được.

Hơn nữa, nếu có đủ vốn thì chắc gì họ đã “mặn mà”, vì lỗ lãi ngành điện họ vẫn chưa thể tường tận hết được.

Chính vì vậy, việc hô hào cạnh tranh để tiến đến cạnh tranh bán buôn, cạnh tranh bán lẻ là cả một quá trình dài. Vấn đề là làm sao để người tiêu dùng được hưởng một mức giá hợp lý, và không để một doanh nghiệp nào độc quyền thao túng thị trường, đẩy giá lên.

Vậy nếu việc đầu tư vào ngành điện gặp rào cản về vốn, tức là dù có cho phép cạnh tranh thì EVN vẫn là “anh cả” với nhiều lợi thế và đặc quyền vượt trội?

Thực ra, EVN cũng đã phải tính đến việc không sớm thì muộn thị trường điện cũng phải vận hành theo cơ chế thị trường. Chính vì vậy, họ cũng đã thành lập ban thị trường điện từ mấy năm nay để lo chuyện này. Bên cạnh đó, chúng ta còn có Cục Điều tiết điện lực nữa nên rõ ràng mục tiêu xóa độc quyền là khá rõ ràng.

Hiện tại chúng ta đang bắt đầu triển khai giai đoạn cạnh tranh phát điện, đồng thời cũng đã tách độc lập khối truyền tải và cho thành lập các tổng công ty phân phối, tổng công ty phát điện…

Đặc biệt, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo yêu cầu EVN phải tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả của tập đoàn này và đưa ngành điện phát triển bền vững, ổn định thì những quan ngại về hai chữ “độc quyền” sẽ theo đó mà giảm đi nhiều.

Thực tình thì tỷ suất lợi nhuận của ngành điện hiện nay có đủ hấp dẫn các nhà đầu tư?

Có hai vấn đề chính quyết định đến dòng vốn của các nhà đầu tư có đổ vào ngành điện hay không, đó là quá trình đầu tư có thuận tiện không và lợi nhuận thu về có thỏa đáng không.

Tuy nhiên, cả hai vấn đề này đều là những câu hỏi chưa thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố khác thì đưa vận hành thị trường điện cạnh tranh sẽ là tiền đề rất quan trọng, bởi khi cạnh tranh, giá điện sẽ tăng lên hoặc giảm đi tùy theo từng thời điểm do quy luật cung cầu quyết định.

Khi điện trên thị trường thiếu, ắt giá sẽ tăng lên và vì thế nhiều người sẽ bỏ tiền xây dựng các nhà máy điện và ngược lại. Dĩ nhiên, với cơ chế giá như hiện nay, giá điện bị khống chế đã khiến trong một thời gian dài không có nhà đầu tư nào quan tâm đến lĩnh vực này.

Cũng không phải tự nhiên mà sau dự án điện Phú Mỹ, không có bất kỳ công ty nước ngoài nào đến Việt Nam để xây dựng các nhà máy điện.

Theo ông liệu có công bằng không khi doanh nghiệp nhỏ gần như không có đủ vốn để đầu tư dự án điện lớn, trong khi trong Đề án thị trường phát điện cạnh tranh, chỉ các nhà máy điện có công suất từ 30MW trở lên có đấu nối vào lưới điện quốc gia mới được được tham gia phát điện cạnh tranh?

Đúng là có bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ thật, nhưng đây chỉ mới là giai đoạn thí điểm. Trong thực tế, việc định ra giới hạn công suất được tham gia chào giá luôn được các nước áp dụng chứ không gì ở nước ta. Vấn đề khác nhau chỉ là ở ngưỡng công suất tham gia là bao nhiêu.

Hiện trên cơ sở thực tế của hệ thống điện cũng như các tính toán và cân nhắc, cơ quan chức năng đưa ra mức công suất là 30 MW. Nhưng tới đây nếu trình độ khoa học công nghệ càng cao hoặc kinh nghiệm vận hành thị trường càng nhiều thì ngưỡng công suất sẽ càng thấp.

Từ nay đến khi có thị trường cạnh tranh bán lẻ còn khá xa. Theo ông làm thế nào để có thể hạn chế được tính “độc quyền” khi EVN vẫn đảm nhận cả hai vai vừa mua, vừa bán điện?

Tôi nghĩ không phải là hạn chế độc quyền mà là hạn chế các mặt không tích cực của độc quyền. Trong thực tế, độc quyền trong ngành điện từng được xem là tự nhiên do đặc tính của “kinh tế quy mô”, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên giờ đây tính tự nhiên đó không còn phù hợp nữa.

Tuy nhiên để thực hiện cạnh tranh thì phải hội tụ đủ các điều kiện cho nó. Vì vậy, một khi chưa thể có cạnh tranh hoàn toàn thì chúng ta phải có các cơ chế, quy chế nhằm kiểm soát độc quyền như các nước vẫn thường làm. Chẳng hạn như buộc phải công khai các thông tin, phải có sự kiểm tra kiểm toán độc lập.

Nhiều nước trên thế giới hiện nay họ vẫn áp dụng cách thức là tin vào sự khai báo chính xác của doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm với các thông tin của mình. Sau đó, nếu thẩm tra mà phát hiện sai thì sẽ xử lý theo pháp luật.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate