Tại thời điểm này, trên kệ hàng của các siêu thị, đại lý, cửa hàng tạp hóa... đã dành diện tích lớn cho sản phẩm nước giải khát với nhiều mặt hàng đa dạng như: nước ngọt, nước hoa quả, các loại trà giải nhiệt, các loại sữa thực vật…, thu hút rất nhiều khách hàng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Thời tiết oi nóng, các hoạt động sinh hoạt, lao động khiến nhu cầu bổ sung nước của cơ thể tăng lên, kéo theo nhu cầu tiêu thụ các loại đồ uống giải nhiệt, thanh lọc cơ thể.
Về xu hướng sử dụng nước giải khát của người tiêu dùng, các chủ đại lý, cửa hàng bán lẻ nhận định rằng số đông khách hàng ngày càng ưa chuộng các loại trà giải nhiệt. Có thể thấy trong nhiều năm gần đây, thị trường nước giải khát tập trung phát triển các sản phẩm đồ uống chiết xuất từ nguyên liệu thiên nhiên như trà xanh, thảo mộc… Sự chuyển biến này xuất phát từ việc người dân ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe và xu hướng tiêu thụ thực phẩm lành, sạch.
Bình dân hơn, các thức uống pha chế từ các loại rau củ, trái cây tươi cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tại TP.HCM, chỉ cần tấp xe vào lề đường là người dân có thể chọn mua một món nước giải khát ở các quán ven đường, các ki-ốt, xe đẩy lưu động với mức giá khá mềm từ 10 -25 ngàn đồng/món. Danh mục món để chọn lựa cũng rất đa dạng như: sâm lạnh, nước mía, rễ tranh, nước rau má, bông cúc, mía lau, trà tắc, trà chanh, nước dừa, các loại sinh tố, nước ép rau củ, nước ép trái cây...
Thời gian này, các quán trà, cà phê “sang chảnh” cũng thường xuyên giới thiệu những món thức uống mới để hấp dẫn người dùng. Chủ một quán cà phê trên đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) cho biết các thức uống hút hàng những ngày này là các loại trà thảo mộc như trà atiso, trà hà thủ ô, trà khổ qua, các loại trà hoa… Bên cạnh đó, dòng thức uống từ sữa thực vật như: sữa đậu nành, sữa đậu đen, sữa hạnh nhân, sữa hạt điều, sữa gạo rang... cũng được nhiều khách hàng lựa chọn thay cho cà phê.
Ngoài thức uống, các món ăn giúp giải nhiệt cũng rất hút hàng. Không chỉ các món ăn lạnh, ăn nguội mà những món bún, mỳ nấu ít gia vị với đặc trưng thanh mát cũng giúp thỏa mãn khẩu vị của thực khách. Anh Hữu Thắng, chủ một nhà hàng trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM) cho biết thời gian này, khách hàng là nhân viên văn phòng quanh khu vực đa số lựa chọn các món khô như hủ tiếu khô, phở trộn, salad... hoặc sushi. “Đây là những món ăn mát nguội mà lại no lâu. Tại nhà hàng của tôi, món mỳ lạnh và món gỏi cuốn luôn là món cháy hàng, khách đến ăn và gọi ship tận nơi rất nhiều”, anh Thắng nói.
Ghi nhận tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, mùa nắng nóng này, nhiều nông dân trồng chanh, tắc (quất) phấn khởi vì được mùa, giá cao. Do vào mùa nắng nóng, nhu cầu thị trường tăng cao nên giá tắc cũng ở mức cao, thu hoạch tới đâu thương lái thu mua hết đến đó. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tắc được thương lái thu mua tận vườn với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán chanh không hạt trung bình 22.000 - 25.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với tháng trước.
Bà Nguyễn Thị Thuyết, Giám đốc HTX nông nghiệp Thạnh Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, thông tin thêm: Tương tự tắc, chanh thì nhiều loại nông sản giải nhiệt cũng được giá. Hiện nông dân trồng dưa gang tại Hậu Giang và nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch, giá bán dưa hiện khoảng 3.000 đồng/kg, tăng từ 300 - 500 đồng so với cách đây 2 tuần. Nguyên nhân giá dưa tăng theo các thương lái do thời điểm này, nhiều ruộng dưa đã thu hoạch hết, nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu giải nhiệt nắng nóng tăng cao nên đẩy giá dưa nhích lên.
Ông Trần Ngọc Nhiều, thương lái tại Hậu Giang, chia sẻ: sức mua các mặt hàng trái cây giải nhiệt cũng tăng 20 - 30% so với ngày thường. Cụ thể, dừa tươi là loại được tiêu thụ khá nhiều, giá bán tăng nhẹ, từ 8.000 - 15.000 đồng/trái, khóm (thơm) khoảng 12 - 15.000 đồng/trái loại 1, dưa lưới 60.000 - 80.000 đồng/kg… Theo nhiều tiểu thương và nông dân, từ nay đến khoảng tháng 5, là cao điểm mùa nắng nóng nên các loại trái cây giải nhiệt sẽ tiếp tục được tiêu thụ mạnh, dự báo giá các mặt hàng này cũng sẽ duy trì ở mức cao.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cơ thể mất nước làm giảm thể tích máu, giảm máu qua thận, giảm bài tiết nước tiểu, gây rối loạn chuyển hóa trong tế bào, làm tăng urê, tăng các sản phẩm tan trong máu, làm giảm đi những chất điện giải quan trọng… Tuy nhiên, bác sĩ Vũ nhấn mạnh việc uống nước nếu thực hiện không đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Cụ thể, mỗi ngày, người trưởng thành cần 35 g nước cho 1 kg thể trọng. Nhu cầu nước của trẻ em cao gấp 3 - 4 lần. Như vậy, trung bình mỗi người trưởng thành cần 6 - 8 cốc nước/ngày (tương đương 1,5 lít). Nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống. "Việc nạp quá nhiều nước cũng dẫn đến tình trạng thừa nước trong cơ thể. Lượng nước nạp vào nhiều hơn khả năng mà thận có thể thải qua đường nước tiểu, dẫn đến nước tích tụ trong cơ thể. Khi đó, cơ thể dễ bị buồn nôn, có cảm giác no và đầy bụng, đau đầu, có thể bị chuột rút hoặc đau nhức...” bác sỹ Vũ nói.
Còn theo bác sĩ Huỳnh Liên Đoàn, Hội Y học TP.HCM, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, một số loại thức uống quen thuộc với người Việt có thể giúp giải nhiệt, tốt cho sức khoẻ. Đầu tiên là trà xanh. Mỗi ngày uống 4 - 5 tách trà khoảng (800-1.000 ml) là có thể giúp cơ thể giải nhiệt, giải độc, phòng ngừa được một số bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch... Nên uống vào buổi sáng, trưa, chiều; không uống vào buổi tối để khỏi trở ngại đến giấc ngủ.
Cùng với đó, rau má được đánh giá là một loại thảo mộc có tính mát, không độc và cân bằng, có khả năng làm mát cơ thể và thải độc tốt. Chính vì những đặc tính này mà rau má thường được ưa chuộng trong việc chế biến thành đồ uống giúp làm dịu cơ thể, mát gan, giảm cảm giác nóng rát và điều trị các triệu chứng nhiệt miệng trong y học cổ truyền. Bột sắn dây cũng được biết đến với hương vị ngọt nhẹ và tính chất ôn hòa, nổi bật với khả năng làm giảm nhiệt cơ thể. Nó còn được sử dụng trong việc điều trị các triệu chứng như cảm lạnh, sốt cao, chảy máu cam và các vấn đề về mụn nhọt.