September 16, 2024 | 09:24 GMT+7

Thị trường đồ chơi và trải nghiệm Trung thu trầm lắng hơn mọi năm

Tuệ Mỹ -

Tết Trung thu đã cận kề, tuy nhiên không khí rộn ràng, náo nức trên các phố phường Hà Nội dường như đã giảm bớt so với mọi năm. Dù vậy, tại một số địa điểm, các trải nghiệm Trung thu ý nghĩa đã sẵn sàng đón chào các em nhỏ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tết Trung thu năm 2024 đến khi các tỉnh phía Bắc vừa trải qua những ảnh hưởng hết sức nặng nề của cơn bão số 3. Hiện, mỗi gia đình đến các cơ quan, đơn vị, sở, ngành đều tập trung cho công tác khắc phục hậu quả, thiệt hại của bão khiến các hoạt động vui Tết Trung thu có phần trầm lắng hơn. Song tin chắc rằng, mỗi người, mỗi gia đình sẽ đều có những cách riêng để đón Tết đoàn viên bình dị và ấm cúng.

LỒNG ĐÈN LABUBU LÊN NGÔI

Ngày mai, 17/9, đã là Rằm tháng Tám. Thời điểm này hàng năm được coi là "thời điểm vàng" để các gia đình đưa con đi vui chơi, mua sắm các món đồ chơi, đồ trang trí… Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, những con phố Trung thu tại Hà Nội như: Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can… vắng người đến tham quan, mua sắm hơn mọi năm.

Chị Lê Thị Vân (phố Hàng Lược, Hà Nội) cho biết: “Tầm này hàng năm, từ phố này kéo dài đến tận Hồ Gươm luôn đông đúc, người dân đi bộ mà còn phải chen chúc, tắc đường. Nhưng năm nay, hai ngày cuối tuần vừa qua dù thời tiết tạnh ráo, nhiều người vẫn có thể đi xe máy vào giữa các con phố để mua sắm”.

Tết Trung thu năm 2024 đến khi các tỉnh phía Bắc vừa trải qua những ảnh hưởng hết sức nặng nề của cơn bão số 3.
Tết Trung thu năm 2024 đến khi các tỉnh phía Bắc vừa trải qua những ảnh hưởng hết sức nặng nề của cơn bão số 3.

Theo các tiểu thương, do ảnh hưởng của bão số 3, nên nhiều hoạt động tổ chức Tết trung thu của các tập thể, trường học… bị tạm hoãn, nên thị trường mua sắm cũng ảm đạm hơn. Dù vậy, ghi nhận trên thị trường, các sản phẩm phục vụ cho Tết Trung thu vẫn khá phong phú, đa dạng, với đủ loại sản phẩm từ truyền thống đến hiện đại. Đặc biệt, năm nay lồng đèn Labubu “lên ngôi”. Tại các cửa hàng trên phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can…, giá đèn lồng Labubu từ 50.000 - 60.000 đồng/chiếc.

Với mức giá phải chăng, xinh xắn, lại gắn liền với "cơn sốt" Labubu nên loại lồng đèn này được rất nhiều người săn lùng. Một số tiểu thương cho biết càng gần đến Tết Trung thu, mặt hàng này càng bán khá chạy. Chị Thanh Thư, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ trang trí trên phố Hàng Mã cho biết: “Ngoài trẻ nhỏ, các bạn thanh niên đến chụp ảnh ai cũng sắm một chiếc đèn lồng, vừa để làm phụ kiện quay chụp, vừa để đu trend trên mạng xã hội. Hết mùa Trung Thu, chiếc đèn vẫn có thể sử dụng để trang trí nhà cửa”.

Với mức giá phải chăng, xinh xắn, lại gắn liền với "cơn sốt" Labubu nên loại lồng đèn này được rất nhiều người săn lùng.
Với mức giá phải chăng, xinh xắn, lại gắn liền với "cơn sốt" Labubu nên loại lồng đèn này được rất nhiều người săn lùng.

Bên cạnh Labubu, hình ảnh những chú chuột lang nước Capybara cùng một số thú nhồi bông đang hot khác cũng được các chủ kinh doanh nhanh chóng đưa vào các sản phẩm lồng đèn với mức giá bán dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc…

Ngoài ra, giá các loại đồ chơi truyền thống như mọi năm có tăng nhẹ do chi phí vận chuyển cao nhưng không biến động mạnh. Các loại mặt nạ nhựa, bờm, đội đầu có giá từ 15.000 - 20.000 đồng. Những loại đèn phát sáng chạy bằng pin, bờm tai thỏ, bờm công chúa hoặc những loại xe kéo phát sáng có giá từ 30.000 đến 80.000 đồng tùy loại. Giá của một chiếc đèn lồng truyền thống hình các con vật (cá, thỏ, rồng, gà…) có giá dao động từ 150.000 đồng - 300.000 đồng tùy kích thước đèn. Đèn ông sao có giá từ 20.000 - 40.000 đồng.

NHỮNG SỰ KIỆN TRUNG THU TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI

Do tình hình mưa lũ phức tạp trên địa bàn TP. Hà Nội, một số hoạt động văn hóa, du lịch tại Hà Nội đã tạm dừng hoặc dời lịch tổ chức. Dù vậy, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, hỗ trợ, động viên các gia đình và đặc biệt là các cháu thiếu niên, nhi đồng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau mưa bão.

Chẳng hạn, tối 15/9, UBND quận Tây Hồ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố Hà Nội đã khai mạc "Đêm hội Trăng rằm" và xúc tiến thương mại gắn kết du lịch, văn hóa địa phương năm 2024.

"Đêm hội Trăng rằm" và xúc tiến thương mại gắn kết du lịch, văn hóa địa phương năm 2024 đã khai mạc tại quận Tây Hồ.
"Đêm hội Trăng rằm" và xúc tiến thương mại gắn kết du lịch, văn hóa địa phương năm 2024 đã khai mạc tại quận Tây Hồ.

Tham gia "Đêm hội Trăng rằm", các em thiếu nhi, nhân dân và du khách sẽ có dịp được thưởng thức ẩm thực Tây Hồ; tham quan và tham gia vào các hoạt động sự kiện đặc sắc, như: Nấu xôi, lễ hội rước đèn và thả đèn hoa đăng; trưng bày mâm ngũ quả; thưởng thức trà sen Tây Hồ, chè cốm; hướng dẫn làm bánh trung thu truyền thống, làm đồ chơi trung thu, vẽ mặt nạ giấy bồi... Lễ hội với quy mô 100 gian hàng, thu hút 40 doanh nghiệp của 23 tỉnh, thành giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng.

Tương tự, nghệ sĩ Tự Long, Xuân Bắc và nhiều nghệ sĩ sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật “Trung thu không xa cách” vào tối 17/9 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), nhằm ủng hộ đồng bào, trẻ em bị ảnh hưởng do lũ lụt. Tại chương trình, ngoài các hoạt động múa lân sư rồng, rước đèn ông sao, còn có các tiết mục tạp kỹ đến từ các nghệ sĩ rối, xiếc, ảo thuật, các nghệ sĩ đạt giải CLB sao tuổi thơ, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam… Phụ huynh và trẻ em đến xem trực tiếp chương trình ngoài việc ủng hộ thông qua hình thức mua vé, còn có thể mua sách, vở, đồ dùng học tập để ủng hộ.

Trong cùng diễn biến, nhằm phát huy sức mạnh của văn hóa trong việc hỗ trợ người dân chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp và chỉ đạo 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ xây dựng kế hoạch tổ chức 6 chương trình nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội.

Tiền quyên góp và một phần tiền bán vé trong quá trình tổ chức các chương trình nghệ thuật sẽ gửi về Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, yêu cầu công khai, minh bạch về tài chính.

Trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số hoạt động mang ý nghĩa nhân văn nhằm hỗ trợ, động viên các em nhỏ ổn định cuộc sống sau cơn bão.
Trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số hoạt động mang ý nghĩa nhân văn nhằm hỗ trợ, động viên các em nhỏ ổn định cuộc sống sau cơn bão.

Theo đó, Nhà hát Múa Rối Việt Nam biểu diễn chương trình "Trăng trẻ thơ" vào 9h30 ngày 15/9 tại Sân khấu Thủy đình – Nhà hát Múa rối Việt Nam; Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn "Dạ tiệc đêm Rằm" vào 20h ngày 16 và 17/9 tại Rạp Tuổi trẻ; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn hòa nhạc "Lalo Stravinsky" vào 20h ngày 17/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội...

Chương trình "Trung thu không xa cách" của Nhà hát kịch Việt Nam sẽ diễn ra vào 19h ngày 17/9 tại Nhà hát Hồ Gươm; Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn chương trình "Tâm sự quê" tại Rạp Kim Mã vào 20h ngày 18/9; Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam biểu diễn đêm nhạc "Hà Nội - Những tháng năm" tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 20h ngày 20/9.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate