Diễn biến điều chỉnh kéo sang phiên thứ 2 liên tiếp và áp lực bán đã giảm đáng kể khi cả phiên sáng nay trạng thái giằng co không thay đổi được. Độ rộng cân bằng hơn trên nền thanh khoản thấp đột biến: Hai sàn chỉ khớp thành công 4.289 tỷ đồng, giảm 24% trong khi VN-Index giảm 0,17 điểm.
Chỉ số không giảm nhiều một phần vì các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang cân bằng lẫn nhau. Tuy nhiên điểm tích cực là độ rộng, không bên nào chiếm ưu thế khi sàn HoSE có 157 mã tăng và 176 mã giảm. Thêm nữa, đại đa số các cổ phiếu dao động tăng giảm dưới ngưỡng 1% so với tham chiếu.
Với thanh khoản cực thấp và biên độ dao động quá hẹp, thị trường vẫn có trạng thái cân bằng cung cầu, dù nhu cầu giao dịch thành công là rất kém. Nhà đầu tư bán chủ yếu treo mức giá cao cũng như người mua treo mức giá thấp. Cho đến hết phiên sáng nay, chưa bên nào có ý chí đủ mạnh để thay đổi chiến lược mua bán này.
VN-Index kết phiên sáng giảm 0,17 điểm (-0,01%), VN30-Index giảm 0,05%, Midcap giảm 0,01%, Smallcap giảm 0,12%. Chỉ riêng điều này cũng cho thấy thị trường di chuyển rất chậm và yếu. Thực ra về cơ bản diễn biến vẫn là bên bán lấn át hơn một chút, VN-Index đạt đỉnh lúc 9h45 tăng gần 3,3 điểm, sau đó trượt dốc. Độ rộng tại đỉnh ghi nhận 179 mã tăng/94 mã giảm. Chỉ số chạm đáy lúc 11h04, giảm 1,8 điểm, độ rộng 150 mã tăng/184 mã giảm và kết phiên là 157 mã tăng/176 mã giảm.
Ở phía giảm, HoSE ghi nhận 43 mã giảm quá 1%, tập trung 4,7% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. Ở phía tăng, 38 mã tăng quá 1%, tập trung 10% tổng thanh khoản. Không có bất kỳ cổ phiếu nào xuất hiện giao dịch đáng chú ý dù là tăng hay giảm. VND thanh khoản lớn nhất phía giảm cũng chỉ gần 66,5 tỷ đồng, giá giảm 1,01% thứ hai là KDC với 24,5 tỷ, giá giảm 3,66%. Toàn bộ nhóm giảm mạnh nhất cũng chỉ 6 mã khớp được quá 10 tỷ đồng. Phía tăng cũng vậy, chỉ có 8 mã khớp quá 10 tỷ đồng, nhiều nhất là KBC tăng 3,98% với 121,1 tỷ, tiếp sau là CTR tăng 3,8% với 54 tỷ, VIB tăng 1,08% với 52,9 tỷ, CTD tăng 2,77% với 49,3 tỷ.
Như vậy, đại đa số cổ phiếu sáng nay chỉ dao động trong biên độ rất hẹp. Khoảng 85% thanh khoản sàn HoSE tập trung vào nhóm dao động dưới 1%. Đây là kết quả của trạng thái cung cầu không gặp nhau hơn là việc thị trường thiếu dòng tiền. Từ góc độ chốt lời sau một nhịp tăng tích cực, nhà đầu tư vẫn đang chấp nhận găm giữ hàng hơn là hiện thực hóa lợi nhuận.
Dĩ nhiên điều ngược lại cũng quan trọng, làm cách nào để kích thích dòng tiền chờ đợi mua vào mạnh tay hơn? Sau hai phiên cuối tuần trước có tín hiệu giải ngân tăng rõ rệt cùng với hoạt động tái cơ cấu ETF, bên mua đã chậm lại để quan sát. Chỉ có số rất ít cổ phiếu có được dòng tiền riêng và giá tăng rõ nét hơn. Những cổ phiếu này không đủ đại diện cho xu hướng dòng tiền tổng thể, nhất là khi thanh khoản liên tục “phá đáy”.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang giao dịch yếu đi nhiều. Dù vị thế ròng khác nhau hàng ngày, nhưng tổng giá trị mua vào hay bán ra đều giảm. Cụ thể, sáng nay khối ngoại chỉ giải ngân trên HoSE khoảng 371,4 tỷ đồng, mức thấp nhất 40 phiên. Bên bán cũng chỉ là 486,4 tỷ, thấp nhất 15 phiên. Chiều mua ròng có duy nhát MWG đáng kể với 25,8 tỷ và chiều bán ròng cũng chỉ VND -23,8 tỷ. Các mã còn lại được mua bán ròng quanh ngưỡng chục tỷ đồng mà thôi.