Bức tranh thị trường hàng không Việt năm 2021 cho thấy sự khởi sắc rõ nét khi loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2021 được công bố.
GIẢM LỖ VƯỢT KỲ VỌNG VÀO GIAI ĐOẠN "NƯỚC RÚT"
Trong quý 4/2021, “anh cả” Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, nâng lũy kế doanh thu cả năm đạt 28.093 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ trong quý 4/2021 có mức lỗ 1.432,5 tỷ đồng, giảm lỗ 44,7% so với quý 4/2020 (lỗ gần 2.600 tỷ đồng) trong khi lỗ hợp nhất quý 4/2021 ở mức 1.184 tỷ đồng, giảm lỗ tới 58,6% so với quý 4/2020 (lỗ hơn 2.800 tỷ đồng).
Giải trình biến động lợi nhuận sau thuế quý 4/2021, đại diện Vietnam Airlines cho hay việc nới lỏng các quy định về nhập cảnh, cách ly y tế đã tạo điều kiện cho các hãng khai thác trở lại các đường bay thường lệ, giúp cải thiện đáng kể dòng tiền và lợi nhuận.
Đặc biệt, việc triển khai hàng loạt các giải pháp như cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ cùng sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành với quy mô lớn, đồng bộ… giúp mức lỗ quý 4/2021 giảm đáng kể so với những quý đầu năm.
Tuy nhiên, do những quý đầu năm phải “đắp chiếu” kéo dài khi cả nước đóng cửa chống dịch với những biện pháp hà khắc nhất, nên tựu trung trong năm 2021 hãng hàng không quốc gia vẫn báo lỗ ở mức kỷ lục hơn 13.337 tỷ đồng, lỗ nặng hơn năm 2020 ở mức lỗ 11.137 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu hiện còn 507 tỷ đồng giúp Vietnam Airlines thoát “thảm cảnh” âm vốn chủ sở hữu sau khi được bơm thêm 8.000 tỷ đồng qua đợt tăng vốn tháng 9/2021, nhưng vốn chủ sở hữu cũng bị bào mòn tới 91,7% so với năm 2020.
Với Vietravel, do hoạt động kinh doanh cốt lõi trong hai mảng du lịch và hàng không, nên chịu tác động kép từ đại dịch. Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel, cho biết ngành du lịch gần như tê liệt kể từ khi đại dịch bùng phát.
Từ một ngành được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, thì năm 2020-2021, lượng khách quốc tế giảm 80-90%, 10-20% lượng khách còn lại chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao... Khách nội địa năm 2021 giảm sâu chỉ còn 35 triệu lượt, bằng 41% so với năm 2019.
"Công ty chỉ kinh doanh 4-5 tháng do giai đoạn từ tháng 5-9 phải đóng cửa do phong tỏa giãn cách chống dịch, trong đó mất hẳn mùa kinh doanh cao điểm hè - thu", đại diện Vietravel cho biết.
Chính vì vậy, Vietravel lỗ hơn 256 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần năm 2020.
Sau gần 1 năm khai thác hãng bay Vietravel Airlines khiến Vietravel rơi vào thua lỗ nặng nên tháng 12/2021, Vietravel bán 72,25 triệu cổ phần, tương ứng 55,58% vốn tại Vietravel Airlines, với giá 867 tỷ đồng, giảm sở hữu từ 99,5% vốn xuống còn 43,92% vốn, tương ứng 571 tỷ đồng.
Còn với hãng hàng không Bamboo Airways, tại báo cáo tài chính hợp nhất của FLC, tính đến cuối năm 2021, tập đoàn này sở hữu 21,7% cổ phần Bamboo Airways và chịu khoản lỗ phân bổ 501 tỷ đồng, đồng nghĩa với Bamboo Airways phải gánh chịu khoản lỗ khoảng 2.300 tỷ đồng. Hãng hàng không Tre Việt thuộc hệ sinh thái Tập đoàn FLC cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn do “dư chấn” sau khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý.
THOÁT HIỂM NHỜ ĐẨY MẠNH VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ
Riêng với Vietjet Air, quý 4/2021, hãng hàng không giá rẻ này ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 2.789 tỷ đồng và giảm tương ứng hơn 37% so với cùng kỳ, lỗ 93 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong khi cùng kỳ lợi nhuận khả quan ở mức 995 tỷ đồng do ghi nhận lợi nhuận khác.
Tính chung năm 2021, doanh thu hợp nhất đạt 12.998 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2020. Tuy nhiên, nhờ khoản doanh thu tài chính 3.920 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ, hãng bay dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn lãi ròng 100 tỷ đồng, tăng mạnh 46% so với năm 2020.
Trong khi các mảng kinh doanh cốt lõi bị tác động bởi dịch bệnh, Vietjet đẩy mạnh mảng vận chuyển hàng hóa với mức tăng trưởng doanh thu tăng trưởng về hàng hóa tăng mạnh trên 200% so với cùng kỳ, đạt 2.954 tỷ đồng.
Vietjet cũng tối ưu chi phí hoạt động theo giờ bay, giảm phí thuê tàu, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất theo mức tối thiểu theo quy định của Nhà nước hỗ trợ ngành hàng không.
Dù ba trong số bốn hãng bay lớn tại Việt Nam đều tiếp đà rơi vào “hố sâu” thua lỗ năm 2021 nhưng nhìn ở góc độ lạc quan, các hãng hàng không trong nước nỗ lực chống chịu trước cú sốc mang tên Covid-19 khi so sánh với những khoản thua lỗ kỷ lục của các hãng bay trên thế giới.
Ba hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc vừa báo cáo thiệt hại lớn trong quý cuối cùng của năm 2021, đánh dấu năm thứ hai chìm trong thua lỗ do dại dịch Covid-19 gây ra, trong khi đó, sự phục hồi vẫn còn xa vời trong khi quốc gia này vẫn duy trì chiến lược “Zero Covid”.
Quý 4/2021, hãng hàng không China Eastern Airlines có trụ sở tại Thượng Hải gánh chịu khoản lỗ ròng của hãng tăng lên 4,05 tỷ nhân dân tệ (637,64 triệu USD) từ 2,95 tỷ nhân dân tệ trong quý 3, nâng mức lỗ cả năm lên 12,2 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 1,9 tỷ USD, sâu hơn mức lỗ 11,8 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020. Hãng hàng không này cũng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn về mặt pháp lý sau vụ rơi máy bay phản lực Boeing 737-800 vào cuối tháng 3 vừa qua khiến 132 người thiệt mạng.
Trong khi đó, hãng hàng không American Airlines có trụ sở tại Fort Worth, Texas (Mỹ) thiệt hại 931 triệu USD trong quý 4, luỹ kế lỗ 2 tỷ USD trong năm 2021 do sự xuất hiện của biến chủng Omicron.
PHỤC HỒI NHANH HƠN TỐC ĐỘ THẾ GIỚI
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tổng số khách du lịch thế giới sẽ đạt 4 tỷ vào năm 2024, vượt mức trước đại dịch Covid-19. Theo đó, từ lượng hành khách chỉ đạt 47% của năm 2019 vào năm 2021 sẽ cải thiện lên 83% vào năm 2022, 94% vào năm 2023, 103% vào năm 2024 và 111% vào năm 2025.
Lạc quan hơn, kế hoạch phục hồi thị trường Việt Nam được dự báo nhanh hơn mức trung bình thế giới khi lượng khách nội địa dự báo về mức trước đại dịch ngay trong năm 2022, bằng 111,2% so với mức 2019; lượng khách quốc tế phục hồi chậm hơn, về mức trước đại dịch trong năm 2024 (bằng 109,2% so với 2019).
Những tín hiệu khởi sắc đến từ quyết định của Chính phủ khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ ngày 15/2 để phục hồi giao thương và mở cửa du lịch từ ngày 15/3, với các điều kiện được nới lỏng tối đa, đóng góp vào mức tăng 6,9% so với cùng kỳ, nâng số chuyến bay khai thác từ ngày 19/2-18/3 lên 18.223 chuyến.
Theo ông Trần Đoàn Thế Duy, Vietravel có lợi thế khi là đơn vị lữ hành duy nhất có hãng hàng không trong hệ sinh thái kinh doanh.
Quý 1, Vietravel vẫn tập trung kinh doanh mảng nội địa là chính, với mục tiêu đạt 70% chỉ tiêu kinh doanh so với năm 2019, bên cạnh đó khai thác đường bay thương mại quốc tế như châu Âu, Trung Đông, Campuchia...
Các tuyến mở lại dần và dự kiến khai thác đầy đủ tuyến từ quý 2, trong đó dự kiến các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Úc với 9 tuyến bay giai đoạn 1 và các tuyến còn lại giai đoạn 2. Mục tiêu chính trong năm 2022 triển khai đầy đủ hệ sản phẩm đường bộ, hàng không theo các hình thức trọn gói, combo, bay thuê chuyến…
Với Vietjet, hãng sẽ tiếp tục thực hiện dự án chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, thúc đẩy sự phát triển của các mảng kinh doanh mới bao gồm dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ phục vụ mặt đất.
Với vai trò “anh cả”, Vietnam Airlines tiên phong trong các chương trình kích cầu, mở đường bay mới. Từ ngày 27/3, Vietnam Airlines khai thác 55 đường bay, nhiều hơn 16 đường bay so với năm 2019.
Với các đường bay quốc tế, Vietnam Airlines khôi phục hoàn toàn hoạt động bay thường lệ tới 15 thị trường truyền thống, ngoại trừ Trung Quốc do chính sách mở cửa và Myanmar do bất ổn chính trị và dự kiến sẽ mở thêm ba đường bay mới tới Singapore, hai đường bay mới tới Ấn Độ từ tháng 4 cũng như khôi phục 80% số đường bay thường lệ từ tháng 7 và mở thêm đường bay tới Philippines trong thời gian tới.
Tuy nhiên, dù vận tải hàng không chống chịu tốt trước các cú sốc và xung đột Ukraine-Nga khó có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng dài hạn của vận tải hàng không, nhưng các chuyên gia đều bày tỏ nỗi lo khi có những rủi ro đi kèm, đặc biệt là ở các thị trường có khả năng xảy ra xung đột. Trước Covid-19, Nga là thị trường vận tải hàng không lớn thứ 11 về số lượng hành khách, trong khi Ukraine đứng thứ 48.
Bên cạnh đó, giá nhiên liệu máy bay phản lực tăng cao kỷ lục nhiều năm, giá dầu thô Brent chạm mức cao nhất trong gần 14 năm là khoảng 140 USD/thùng sau khi Mỹ và Anh tuyên bố cấm xuất khẩu dầu của Nga để đáp trả cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine, cũng là lực cản với đà phục hồi các hãng hàng không trên thế giới cũng như hàng không Việt.