Tờ Business Insider đưa tin cho biết, nhà đầu tư Chip Hazard – chủ yếu rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu – mới đây đã gửi thư cảnh báo tới hơn 400 công ty trong danh mục đầu tư của quỹ Flybridge do ông quản lý, rằng dòng tiền có thể sớm cạn kiệt.
“Nếu bạn đang trong quá trình huy động vốn, hãy hoàn tất càng sớm càng tốt. Chúng tôi nhắc lại: hãy chốt bất kỳ khoản gọi vốn nào đang dang dở càng nhanh càng tốt”, ông Hazard viết trong bản ghi nhớ.
Những biến động thuế quan liên tục diễn ra vài tuần trở lại đây đã gây ra đợt bán tháo lịch sử trên thị trường chứng khoán. Các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định cổ phiếu có thể còn tiếp tục giảm và nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lại phần lớn thuế quan được công bố.
Theo công ty cung cấp dữ liệu Pitchbook, lợi nhuận trong ba tháng gần nhất của các danh mục đầu tư mạo hiểm đã giảm 3,3% giá trị thị trường hiện tại, do tác động từ các mức thuế của ông Trump.
“Hệ sinh thái thị trường tư nhân, vốn đã gặp nhiều khó khăn do thoái vốn kém, không hề có sự nhẹ nhõm nào trước các kế hoạch thuế quan của Mỹ”, ông Paul Condra, Giám đốc nghiên cứu thị trường tư nhân toàn cầu tại Pitchbook, viết trong một ghi chú phân tích vào tuần trước.
Với ông Hazard, ông trấn an các nhà sáng lập trong danh mục đầu tư của mình rằng không nên hoảng loạn bởi phần lớn trong số này sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp từ chi phí nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, một số – hoặc toàn bộ – khách hàng của doanh nghiệp có thể sẽ chịu ảnh hưởng. Những lo lắng do thuế quan gây ra đang lan rộng khắp thị trường có thể khiến các nhà đầu tư tổ chức e ngại.
“Các thị trường vốn đang hỗn loạn và các nhà đầu tư tổ chức có thể tạm thời ‘đóng băng’, dẫn đến việc tiếp cận và huy động vốn mạo hiểm trở nên khó khăn hơn”, ông Hazard phân tích.
TRÁNH CÁC STARTUP LIÊN QUAN ĐẾN TRUNG QUỐC?
Trong cuộc họp đối tác của một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn tại khu vực Vịnh San Francisco vào tuần trước, một thông điệp đã được đưa ra rất rõ ràng, theo một người tham dự xin giấu tên: Không thực hiện các thương vụ với định giá cao cho đến khi thị trường ổn định trở lại, và tránh các startup có liên hệ với Trung Quốc.
Nếu viễn cảnh này dường như rất quen thuộc, thì đó là vì lịch sử này đã diễn ra. Không lâu trước đây, các khoản trợ cấp thời đại dịch và lãi suất vay thấp đã bơm tiền vào thị trường đầu tư mạo hiểm, tạo nên thời kỳ “tiền rẻ” và đẩy định giá các startup lên cao ngất ngưởng. Nhưng thời kỳ dư dả này kết thúc nhanh chóng khi lạm phát và lãi suất bắt đầu tăng cao.
Để bảo toàn vốn, các quỹ hưu trí, tổ chức từ thiện và quỹ tài trợ đại học đã chuyển tiền sang bất động sản và trái phiếu thay vì đầu tư vào cổ phiếu công nghệ rủi ro cao hay các quỹ mạo hiểm. Nguồn tiền từng đổ dồn vào các quỹ này nay giảm sút. Các nhà đầu tư viết ít séc hơn, với số tiền nhỏ hơn, khiến nhiều startup rơi vào cảnh thiếu vốn. Số lượng công ty phải đóng cửa tăng vọt.
Ở một số khía cạnh, làn sóng AI đã làm thay đổi mọi thứ. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này khơi dậy lại sự quan tâm của giới đầu tư mạo hiểm – những người luôn háo hức tìm ra cái tên “bùng nổ” tiếp theo.
Dù thị trường chưa trở lại thời kỳ chi tiêu không kiểm soát như trước, các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng đặt cược lớn vào những startup hấp dẫn nhất. Theo tin từ Business Insider tuần trước, cựu giám đốc công nghệ của OpenAI, ông Mira Murati, đang nhắm đến vòng hạt giống với trị giá lên tới 2 tỷ USD cho startup AI mới mang tên Thinking Machines Lab.
Tuy nhiên, sau hai tuần thị trường bất ổn liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại, ngày càng nhiều lo ngại rằng đà phục hồi có thể bị chững lại.
“Chúng tôi đang thận trọng hơn rất nhiều. Chúng tôi sẽ không hành động như thể nền kinh tế đang tốt cho đến khi bản thân nền kinh tế thực sự ổn định trở lại”, một nhà đầu tư mạo hiểm chia sẻ.
KHÓ KHĂN NỐI TIẾP KHÓ KHĂN
Các đối tác quản lý (General Partner – GP) cố gắng huy động quỹ mới phải đối mặt với nhiều trở ngại, ngay cả trước khi các mức thuế diễn ra. Tổng mức vốn huy động trong quý I/2025 đã xuống mức thấp nhất trong vòng sáu năm qua, theo dữ liệu từ tạp chí Venture Capital Journal.
Việc huy động vốn càng trở nên khó khăn hơn khi các mức thuế quan liên tục thay đổi, theo lời một nhà đầu tư mạo hiểm tại San Francisco. Ông nhận thấy các nhà đầu tư tiềm năng vào các quỹ mạo hiểm, còn gọi là Limited Partners (LP), đang trì hoãn quyết định cho đến khi họ có cái nhìn rõ hơn về hướng đi của thị trường.
“Tôi đã nói chuyện với vài LP trong tuần này, họ không đề cập trực tiếp đến thuế quan, nhưng lịch sự nói rằng muốn liên lạc lại sau vài tháng. Tôi có thể đọc được giữa các dòng rằng mọi người muốn chờ xem điều gì xảy ra trước khi rót thêm tiền”, nhà đầu tư mạo hiểm tại San Francisco cho biết.
“Các phép tính của LP có thể đã thay đổi”, bà Anna Barber, đối tác tại M13, một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào phần mềm doanh nghiệp và thương mại điện tử, chia sẻ. Bà Barber cho biết hiện chưa đưa ra hướng dẫn mới cho các nhà sáng lập vì cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động dài hạn.
Ngay khi ông Donald Trump tái đắc cử, thị trường đã bùng nổ và các công ty nhanh chóng xếp hàng chuẩn bị niêm yết cổ phiếu, trong đó có công ty cho vay “mua trước trả sau” Klarna, nền tảng bán vé StubHub và nhà cung cấp hạ tầng AI CoreWeave. Thương vụ Google đề nghị mua lại công ty an ninh mạng Wiz với giá 32 tỷ USD vào tháng 3 vừa qua đã tiếp thêm kỳ vọng rằng thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) đang ngủ yên sẽ sớm “tỉnh giấc” dưới một chính quyền thân thiện hơn với doanh nghiệp.
Thế nhưng, giờ đây Klarna, StubHub và nhiều công ty khác đã hoãn kế hoạch IPO vô thời hạn vì thị trường quá biến động.
“Tất cả sự lạc quan đó gần như đã bị dập tắt”, một quản lý quỹ mới nổi nhận định. Nhà đầu tư này cho rằng, một số tổ chức vốn từng đầu tư vào các quỹ mạo hiểm có thể sẽ chậm lại và chuyển tiền sang các quỹ lớn, lâu đời hơn thay vì các quỹ mới nổi. Quãng thời gian khó khăn với huy động quỹ sau sụp đổ hậu đại dịch dường như đang được tái hiện.