April 13, 2022 | 12:55 GMT+7

Thị trường “khó nhằn”, nhiều quỹ ngoại tiếp tục thua lỗ trong tháng 3

An Nhiên -

Các quỹ đầu tư ngoại tiếp tục giao dịch kém hiệu quả, thua lỗ trong tháng 3 vừa qua...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Vn-Index sau khi vượt đỉnh 1.500 thời điểm đầu năm, suốt 3 tháng nay thị trường gần như lình xình đi ngang bởi đối diện nhiều yếu tố tiêu cực đến từ áp lực lạm phát tăng cao, Fed tăng lãi suất, rủi ro địa chính trị Nga - Ukraine, dòng vốn vào cổ phiếu có dấu hiệu sụt giảm toàn cầu. Trong tháng 3, chỉ số tăng 0,1% lên 1.492 điểm.

Vốn ngoại tiếp tục ghi nhận rút ròng mạnh. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng 8.195 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam.

Hoạt động rút vốn từ các ETF cũng tăng mạnh tại Việt Nam. Trong tuần giao dịch gần nhất, ghi nhận rút ròng ở mức 23 triệu USD. Hoạt động bán tập trung chủ yếu trên FTSE Việt Nam và VFMVN30 ETF. Trong tuần vừa qua, hai ETF này bị rút ròng lần lượt 91, triệu USD và 24,6 triệu USD. Bên cạnh đó, Vaneck Vietnam ETF cũng bị rút ròng 1,9 triệu USD, Ssiam Vnfin Lead bị rút 1 triệu USD.

Tính trong vòng một tháng vừa qua, dòng vốn ETF rút ròng 42,8 triệu USD, tương đương với khoảng 980 tỷ đồng. Bốn ETF được nhắc đến ở trên vẫn là những cái tên bị rút ròng nhiều nhất, ngoài ra có thêm MAFM VN30 ETF bị rút 8,3 triệu USD trong vòng 1 tháng qua.

Các quỹ đầu tư ngoại tiếp tục giao dịch kém hiệu quả, thua lỗ trong tháng 3 vừa qua.

Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 3 với hiệu suất danh mục âm 1,5%, trong khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng nhẹ 0,14% trong cùng giai đoạn. Tính chung trong 3 tháng đầu năm, hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund âm 1,69%. Trước đó, trong tháng 2 vừa qua, quỹ này đã âm 2,85%.

Hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund.
Hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund.

Tính tới cuối tháng 3/2022, quy mô danh mục Pyn Elite Fund đạt xấp xỉ 842 triệu Euro. Trong đó, VHM tiếp tục là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ với tỷ trọng 17,6%, xếp tiếp theo lần lượt là CTG (14,3%), VRE (9,4%), TPB (9,3%)...

Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund tính tới cuối tháng 3 có sự xuất hiện mới của SCS với tỷ trọng 2,4%, thay thế cho NLG. Trong khi đó, VEA cũng lọt vào top 5 với tỷ trọng 9,2%, chủ yếu đến từ diễn biến tích cực của cổ phiếu. Hiện tại, Pyn Elite Fund đang nắm giữ khoảng 40 triệu cổ phiếu VEA.

CMG, VEA, TLG là 3 cổ phiếu có biến động tích cực nhất danh mục Pyn Elite Fund trong tháng 3, ngược lại, 3 cổ phiếu có biến động "tệ" nhất là ACV, MBB và TPB.

Trường hợp Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), một trong những quỹ ETF lâu đời và lớn nhất thị trường Việt Nam với danh mục 546 triệu USD đã ghi nhận hiệu suất danh mục âm 11,84% kể từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại. Con số này tính đến thời điểm cuối tháng 2 chỉ dừng lại ở mức 7,3%. 

Trong khi đó, một quỹ thuộc Dragon Capital là Vietnam Equity Fund (VEF) ghi nhận hiệu suất âm 2,95% trong tháng 1/2022, đây là mức âm cao nhất kể từ khi quỹ này đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 đến nay. Tháng 2 vừa qua, quỹ này có mức tăng trưởng dương 3,11% nhưng bước sang tháng 3, quỹ này lại quay đầu âm 0,58%. Tính từ đầu năm đến nay, Vietnam Equity Fund âm 0,51%.

Hiệu suất đầu tư của VEF.
Hiệu suất đầu tư của VEF.

Hoạt động tích cực nhất có lẽ là quỹ Vietnam Holding Limited. Quỹ này ghi nhận hiệu suất âm 3,6% trong tháng 1 đầu năm 2021. Tuy nhiên, bước sang tháng 3, quỹ đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại với mức tăng 2,3%. FPT là cổ phiếu mà Vietnam Holding Limited nắm giữ nhiều nhất đồng thời là cổ phiếu có mức đóng góp tích cực nhất cho hoạt động của quỹ. Ngoài ra, một số cổ phiếu khác cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực đóng góp vào hiệu suất của quỹ này là GMD, HAH, MWG, PNJ.

Thị trường tài chính toàn cầu đang trong giai đoạn bất ổn với nhiều rủi ro liên quan đến lạm phát, Fed tăng lãi suất, căng thăng địa chính trị Nga - Ukraine. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, thị trường Việt Nam không tránh khỏi những tác động tiêu cực. 

Tuy nhiên, hoạt động của các quỹ này được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn vào những tháng tới nhờ Vn-Index được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong suốt cả năm 2022 động lực đến từ vĩ mô. 

Trong báo cáo vừa công bố, Dragon Capital tin rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt 7,0% tăng trưởng năm nay, và nếu triển khai gói phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, tăng trưởng 8,6% là mục tiêu khả dĩ có thể đạt được.

Mùa Đại hội cổ đông đang dần hé lộ bức tranh tích cực của năm 2022. Với mức dự báo thận trọng về tăng trưởng lợi nhuận của các công ty, con số này vẫn đạt mức trung bình 15%. Nhóm Ngân hàng đạt 20-25%, vượt trội so với thị trường. Dragon Capital dự báo Top80 sẽ tăng trưởng 23%, dựa trên sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế nội địa và sự miễn nhiễm với xung đột Nga – Ukraine. Giá cổ phiếu sẽ dần phản ánh tăng trưởng lợi nhuận khi định giá P/E chỉ ở mức 11-12x.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate