February 03, 2022 | 13:37 GMT+7

Thị trường lao động đang phục hồi khả quan

Phúc Minh -

Trên 90% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động trở lại. Các địa phương lớn tập trung nhiều lao động đang làm việc đều nhận định mức độ thiếu lao động sau "bình thường mới" không trầm trọng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm 2021 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động giảm.

Còn theo Tổng cục Thống kê, tính tới ngày 15/12/2021 có khoảng 2,2 triệu người hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài, trong đó, khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP. HCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác.

Trước làn sóng lao động di chuyển ồ ạt về quê trong năm 2021, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội từng đưa ra cảnh báo sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý 1 và quý 2/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, ngay trong quý 4/2021, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý trước.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, mức độ phục hồi của thị trường lao động hiện nay là khả quan. Theo Bộ trưởng, 95% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm lao động đã hoạt động trở lại. TP. HCM và 8 tỉnh, thành có đông lao động tại miền Nam, miền Trung đều nhận định mức độ thiếu lao động sau bình thường mới không trầm trọng, đến thời điểm hết tháng 12/2021, thị trường đã cơ bản phục hồi.

Mặt khác, vấn đề tiền lương, bảo hiểm của người lao động được đảm bảo. Các địa phương cũng hỗ trợ thêm để bảo đảm sàn an sinh cho người lao động. “Đến thời điểm hiện tại, cá nhân tôi cho rằng thị trường lao động của chúng ta đã phục hồi nhanh chóng và ổn định tương đối”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Nhận định về thị trường lao động sau Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, thông thường hằng năm, trước Tết Nguyên đán thường thiếu khoảng 10% lực lượng lao động, sau Tết thường thiếu 20%. Tuy nhiên, năm 2022, có thể nguồn lao động sẽ duy trì thấp hơn.

Bên cạnh đó, hiện nay các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đều có phương án để giữ chân người lao động, ngoài những chính sách như nâng lương, chế độ Tết, chế độ thưởng thì còn những chính sách khác để giữ chân người lao động.

Về phía các địa phương, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua cũng đã chủ động thực hiện linh hoạt các phương thức sản xuất, có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ việc làm cho lao động từ vùng dịch trở về địa phương...

Theo báo cáo từ các tập đoàn lớn, các tổng công ty, các doanh nghiệp nước ngoài, lực lượng lao động Tết dự báo cũng chỉ thiếu khoảng 10% đến 15% và so với những năm trước đây.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, việc hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đã được Bộ này ban hành, trong đó đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc; duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng, tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate