July 08, 2024 | 10:21 GMT+7

Thị trường tài chính bớt lo sau bầu cử ở Pháp

An Huy -

Thị trường tài chính ít nhất đã có thể “thở phào” vì phe cực hữu hay phe cực tả đều không thắng áp đảo...

Pháp vừa trải qua hai vòng của cuộc bầu cử quốc hội sớm, diễn ra vào ngày 30/6 và ngày 7/7 - Ảnh: Bloomberg.
Pháp vừa trải qua hai vòng của cuộc bầu cử quốc hội sớm, diễn ra vào ngày 30/6 và ngày 7/7 - Ảnh: Bloomberg.

Dự báo kết quả vòng thứ hai trong cuộc bầu cử sớm của Pháp cho thấy Quốc hội nước này có thể sẽ rơi vào tình trạng “treo” - không bên nào có đủ đa số ghế tuyệt đối. Tuy nhiên, thị trường tài chính ít nhất đã có thể “thở phào” vì phe cực hữu hay phe cực tả đều không thắng áp đảo.

Các cuộc thăm dò nhanh cho thấy liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NPF) đã dẫn đầu trong vòng bầu cử này, nhưng không đạt được đa số tuyệt đối 289 ghế.

QUỐC HỘI TREO

Việc NPF giành chiến thắng trong vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào ngày 7/7 đồng nghĩa với thất bại của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp (RN) của Marine Le Pen - đảng thắng trong vòng đầu tiên vào hôm 30/6 và đã được dự báo sẽ tiếp tục thắng trong vòng thứ hai. Trong thời gian giữa hai vòng bầu cử, liên minh ôn hòa Together (Cùng nhau) của Tổng thống Emmanuel Macron và NPF đã nỗ lực hành động để khiến RN không thể thắng lần nữa.

Theo dự báo, RN sẽ về thứ ba trong vòng bầu cử thứ hai, sau Together ở vị trí thứ hai và NFP ở vị trí thứ nhất.

Hãng tin Reuters nhận định rằng điều này có nghĩa là không khối nào trong số 3 khối trên có đủ số ghế trong Quốc hội để thành lập một chính phủ đa số, và sẽ cần sự hỗ trợ của liên minh hay chính đảng khác để thông qua các dự luật.

Theo hãng tin Reuters, hiện chưa ai dám chắc một liên minh khuynh tả sẽ được thành lập. Pháp vốn không quen với hình thức thành lập liên minh sau bầu cử vốn quen thuộc ở nhiều nước châu Âu khác như Đức hay Hà Lan. Nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp do Charles de Gaulle thiết lập vào năm 1958 có cấu trúc nhằm trao cho các tổng thống của này một đa số cao và ổn định trong Quốc hội, và điều này đã dẫn tới một văn hóa chính trị đối đầu, không có truyền thống thương lượng và thỏa hiệp.

Chính trị gia cánh tả ôn hòa Raphael Glucksmann, một nghị sỹ trong Nghị viện châu Âu, nói rằng tầng lớp chính trị Pháp cần phải “hành động như những người trưởng thành”.

Trong khi đó, thủ lĩnh Jean-Luc Melenchon của đảng cực tả Nước Pháp không khuất phục (France Unbowed - LFI) bac bỏ khả năng thành lập một liên minh lớn với sự tham gia của các đảng phái khác nhau. Ông nói Tổng thống Macron có nghĩa vụ kêu gọi liên minh cánh tả lên cầm quyền.

Ở phái ôn hòa, bà Stephane Sejourne - thủ lĩnh đảng của ông Macron - tuyên bố đã sẵn sàng hành động cùng với các đảng chính thống, nhưng loại trừ khả năng thương lượng với đảng LFI của ông Melenchon. Cựu Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng bác bỏ khả năng thương lượng với đảng cực tả này.

Về phần mình, ông Macron nói sẽ đợi cho tới khi một quốc hội mới được thành lập để tìm ra một “cấu trúc nào đó” nhằm quyết định động thái tiếp theo.

Nếu các bên không thể đi đến một thỏa thuận, đó sẽ là một tình huống mà nước Pháp chưa từng trải qua. Theo quy định của Hiến pháp, ông Macron không thể kêu gọi một cuộc bầu cử quốc hội nữa trong vòng 12 tháng tới.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal nói ông sẽ đệ đơn xin từ chức lên ông Macron vào buổi sáng ngày thứ Hai, nhưng sẵn sàng đảm nhiệm các công việc tạm thời.

Theo Hiến pháp, ông Macron sẽ quyết định người nào sẽ nhận tránh nhiệm đề nghị thành lập một chính phủ mới. Nhưng dù ai là người được ông Macron lựa chọn, người đó cũng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Pháp, khi cơ quan này có kỳ họp 15 ngày bắt đầu vào ngày 18/7. Điều này có nghĩa là ông Macron cần đề cử một cái tên được đa số nghị sỹ chấp nhận.

CHÍNH PHỦ KỸ TRỊ?

Ở Pháp, Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ và Tổng thống là người đứng đầu nhà nước. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron sẽ kéo dài tới năm 2027 và ông đã tuyên bố sẽ không rời cương vị này trước khi chính thức kết thúc nhiệm kỳ. Liên minh của ông Macron không giành được đa số ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa rồi đồng nghĩa ông sẽ phải chia sẻ quyền lực với một vị thủ tướng đến từ một liên minh khác.

Theo một số nhận định, ông Macron có thể lôi kéo những người theo Đảng Xanh khỏi liên minh cánh tả, cô lập đảng LFI, để thành lập một liên minh trung tả với khối của chính ông. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy liên minh NPF của LFI và Đảng Xanh sắp tan rã.

Một kịch bản khác là Pháp sẽ có một chính phủ gồm các nhà kỹ trị sẽ quản lý các công việc hàng ngày của đất nước nhưng không giám sát những thay đổi về cơ cấu. Hiện chưa rõ liệu khối cánh hữu có ủng hộ kịch bản này hay không, trong khi kịch bản như vậy cũng cần sự phê chuẩn của Quốc hội Pháp.

“Kết quả cuộc bầu cử ở Pháp đang đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng thị trường tài chính đã có thể thở phào. Kết quả cho thấy các lực lượng ôn hòa vẫn liên minh cùng nhau trong vòng thứ hai để chống lại các ứng cử viên cực đoan, và điều này sẽ có ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống sau này”, trưởng phân tích Jan von Gerich của công ty Nordea ở Helsinki, Phần Lan, nhận định với Reuters.

“Tuy nhiên, chương trình kinh tế của cánh tả bị xem là có vấn đề nhiều hơn so với chương trình của cánh hữu, và dù cánh hữu không thể tự thành lập chính phủ, triển vọng của nền tài khóa Pháp đã xấu đi với kết quả này. Bởi vậy, phần bù rủi ro của các tài sản Pháp có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate