January 05, 2023 | 06:00 GMT+7

Thị trường Tết: hàng Việt “phủ sóng”, người dân mua sắm sớm

Băng Hảo -

Với các giải pháp nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, các doanh nghiệp đều kỳ vọng doanh số bán lẻ sẽ tăng từ 20 - 30% trong mùa cao điểm mua sắm dịp Tết Nguyên Đán sắp tới…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

TẾT NÀY “XÀI” HÀNG VIỆT

Tại siêu thị Lotte Mart Bình Dương, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm từ 80 - 90%. Trong hệ thống các siêu thị Go & BigC, WinMart hay Co.opmart, MM Mega Market… tỷ lệ hàng sản xuất trong nước cũng chiếm đa số. Theo ghi nhận, các đơn vị kinh doanh đã lựa chọn nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng gia dụng, may mặc sản xuất trong nước làm nguồn cung chính cho hệ thống phân phối của mình.

Tương tự tại Vũng Tàu, đại diện Siêu thị Ngày mới (huyện Châu Đức) cho biết, hiện nay trên các kệ hàng hóa Tết có đến 80% là hàng Việt Nam, trong đó nhóm hàng Việt Nam được siêu thị ưu tiên nhập tăng từ 1,5 - 2 lần so với ngày thường là gia vị, nhu yếu phẩm, bánh kẹo và đều là hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Còn tại Siêu thị GO! Bà Rịa, 90% doanh số đến từ hàng sản xuất trong nước. Cùng đó, siêu thị cũng thúc đẩy thu mua và bán các loại nông sản, thủy sản, thực phẩm tại địa phương.

Trong những ngày này, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố Hà Nội như Vinmart, Big C Co.opmart… cũng có gian hàng dành để trưng bày nhiều loại hàng hóa phục vụ Tết được trang trí bắt mắt. Chiếm phần lớn trong số những mặt hàng như bánh kẹo, nước ngọt, bia, thực phẩm đến từ các thương hiệu Việt như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Cầu Tre, Vissan… Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc vùng miền Bắc chuỗi siêu thị GO!, Big C (Central Retail) cho biết, hiện trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống siêu thị có đến 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Các đơn vị kinh doanh đã lựa chọn nhiều mặt hàng sản xuất trong nước làm nguồn cung chính cho hệ thống phân phối của mình.
Các đơn vị kinh doanh đã lựa chọn nhiều mặt hàng sản xuất trong nước làm nguồn cung chính cho hệ thống phân phối của mình.

Tại các siêu thị Vinmart, Co.opmart, Mega  Market, Big C, Hapro Mart… các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước mắm đều có xuất xứ Việt Nam và được trưng bày từng khu riêng biệt để người tiêu dùng dễ lựa chọn. Theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng. Đặc biệt, còn dành riêng một khu vực để các doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng giá dẫn tới hàng hóa tăng tương ứng. Để hạn chế hiện tượng này, giảm áp lực kinh tế cho người dân, các siêu thị đều cam kết không tăng giá hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc thường trực WinCommerce (quản lý chuỗi siêu thị Winmart) chia sẻ, Winmart có nhiều giải pháp vận chuyển, giao hàng tập trung để giảm giá thành. Ngoài ra, đơn vị cũng đã làm việc với hơn 300 nhà cung cấp để tăng sản lượng nguồn hàng, thực hiện các chương trình bình ổn giá trên toàn hệ thống.

KHÔNG KHÍ MUA SẮM BẮT ĐẦU NHỘN NHỊP

Không đợi đến sát tết, thời điểm này, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn hàng hóa cho nhu cầu tết. Tại siêu thị Go & Big C Bình Dương, nhiều khách hàng chia sẻ tuy năm nay thu nhập eo hẹp, kinh tế khó khăn nhưng với phong tục cổ truyền, ngày tết trong gia đình phải có bánh, mứt, trang trí nhà cửa. Vì vậy, dù hãy còn khá sớm nhưng người dân tranh thủ mua sắm hàng hóa cho gia đình và biếu họ hàng, người thân.

Qua tham khảo giá, đa số khách hàng nhận xét hàng hóa phục vụ tết rất phong phú, giá cả khá ổn định. Mặt khác, đa số hàng hóa bán đều do doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong nước sản xuất và có tem nhãn, xuất xứ rõ ràng. Chính điều này giúp người tiêu dùng an tâm khi mua sắm, không sợ hàng giả, hàng trôi nổi.

Tại TP.HCM, nhiều siêu thị đón lượng khách đông đúc gấp đôi, gấp 3 lần ngày thường trong những ngày đầu năm 2023. "Những ngày cận Tết thường công việc rất bận nên tôi phải tranh thủ mua sắm dần. Tôi nghĩ đây là tâm lý chung của người tiêu dùng giai đoạn này nên siêu thị những ngày đầu năm mới đông đúc như vậy, phải chờ đợi tầm 10 - 15 phút mới tính tiền xong," một người tiêu dùng đang mua sắm tại Emart quận 7 cho biết.

Đại diện Emart cho biết năm nay Tết đến sớm hơn năm trước và gần với Tết Dương lịch nên tâm lý người dân có xu hướng mua sắm "2 trong 1". Nghĩa là, vừa mua sắm cho nhu cầu tiêu dùng tết Tây vừa mua sẵn một số hàng hóa có giá tốt để tích trữ cho Tết Nguyên đán. Lượng khách trong dịp lễ của siêu thị này tăng khoảng 10%, doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Vì kinh tế khó khăn, người dân chủ yếu tập trung mua hàng nhu yếu phẩm và những món không thể thiếu trong dịp lễ, Tết như bánh, nước ngọt, nước yến, bia, các loại hạt khô, chocolate,... Các ngành hàng như thời trang, điện máy có sức mua chậm.

Năm nay Tết đến sớm nên người dân có tâm lý mua sẵn một số hàng hóa có giá tốt để tích trữ cho Tết Nguyên đán.
Năm nay Tết đến sớm nên người dân có tâm lý mua sẵn một số hàng hóa có giá tốt để tích trữ cho Tết Nguyên đán.

Tương tự, siêu thị Mega Market cũng thu hút lượng khách lớn trong dịp Tết Dương lịch vừa qua. Đại diện siêu thị này cho biết lượng khách đến siêu thị tăng khoảng 43%, doanh thu cho 3 ngày nghỉ lễ tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Saigon Co.op, sức mua những ngày này tăng gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường. Khách hàng chủ yếu lựa chọn những sản phẩm liên quan đến Tết như gạo nếp, đậu xanh, bánh mứt và các mặt hàng tẩy rửa, trang trí nhà cửa.

Với nhiều phương án và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị cung ứng, nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết năm nay sẽ cơ bản được cung ứng đầy đủ với giá cả bình ổn. Bên cạnh việc đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, các địa phương  cũng triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng. Năm nay, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán. Không chỉ giảm giá 30%, 50%, các mức khuyến mại không giới hạn mà tuỳ thuộc vào chiến lược và điều kiện của doanh nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate