Tâm lý sợ hãi vẫn bao trùm toàn thị trường. Chỉ số kết thúc phiên sáng 13/5 rơi về mốc 1.234 điểm - vùng giá cách đây đúng 1 năm, thời điểm 4/2021 trước khi Vn-Index tiếp tục đà leo dốc. Thời điểm hiện tại, không tính đến cổ phiếu đầu cơ, hầu hết các cổ phiếu cơ bản đều đã rơi về vùng giá của một năm cách đây. Thậm chí, đã có những cổ phiếu rơi về vùng giá trước năm 2020 khi Covid-19 chưa càn quét.
Đơn cử VNM của Công ty Cp Sữa Việt Nam - Vinamilk. Thị giá VNM đã giảm 21% từ đầu năm 2022 hiện đang có mức 67.600 đồng/cổ phiếu, đây là vùng giá ở thời điểm đầu năm 2020. VNM vốn dĩ là cổ phiếu không được đánh giá cao khi thị trường uptrend bởi đà tăng trưởng của doanh nghiệp sữa đầu ngành chững lại trong khi đó giá nguyên vật liệu đầu vào tăng trong suốt thời gian qua cũng đe doạ biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi thị trường bước vào downtrend, dòng tiền thận trọng thì cổ phiếu này cũng bị ảnh hưởng đầu tiên.
Mặc dù vậy tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn rất tích cực. Quý 1/2022, VNM đạt tổng doanh thu hợp nhất 13.940 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.764 tỷ đồng.
Trong báo cáo triển vọng VNM, Chứng khoán BVSC dự báo doanh thu đạt 64.931 tỷ đồng (+6,6% yoy) trong đó kỳ vọng: (i) doanh thu nội địa +6,1%; (ii) MCM +8%; (iii) xuất khẩu +10%; (iv) các công ty con ở nước ngoài +7%. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ dự báo đạt 10.890 tỷ đồng (+3,4% yoy) với giả định biên lợi nhuận giảm nhẹ như đã đề cập ở phần trên. EPS dự phóng 4.761 đồng/cp tương ứng với PE 2022 17,1x. BSC khuyến nghị trung lập với VNM với giá mục tiêu 91.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với PE mục tiêu 19,1x cho 2022 và 16,9x cho 2023.
Tương tự, VCG của Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam cũng đang ở vùng giá cách đây thậm chí 3 năm. Cổ phiếu VCG có mức giá xung quanh 25.000 đồng/cổ phiếu trong suốt thời điểm 2019-2020. Đến giữa năm 2020, cùng với đà tăng trưởng của thị trường, cổ phiếu VCG đi lên và đạt đỉnh cuối năm 2021 với mức giá 56.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ngay sau đó VCG quay đầu giảm hơn 2 lần chỉ còn 25.000 đồng/cổ phiếu.
Không giống với VNM, nền tảng của VCG rất tốt, thậm chí VCG còn giữ "quán quân" trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngành xây dựng. Trong quý 1/2022, VCG ghi nhận lãi hơn 759 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, do hợp nhất báo cáo tài chính của Công ty con mới đầu tư.
Năm 2022, Tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt hơn 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.400 tỷ đồng, bằng lần lượt 243% và 269% so với thực hiện 2021.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cũng khẳng định mong muốn và quyết tâm của HĐQT, Ban TGĐ và cán bộ nhân viên về việc đưa Vinaconex trở thành tập đoàn kinh tế top đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, chăm lo tốt đời sống cho người lao động, đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, tổng doanh thu, lợi nhuận cũng như các khoản nộp ngân sách và phúc lợi xã hội ngày càng tăng.
HĐQT VCG mới đây đã phê duyệt phương án chi trả cổ tức bằng tiền năm 2021 với tỷ lệ chi trả 12% tương ứng với 1.200 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền VCG bỏ ra chi trả cổ tức cho cổ đông là 530 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là 25/5/2022. Thời giant hực hiện chi trả 24/6/2022.
Cũng trong ngành xây dựng, cổ phiếu CII của Hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM cũng rơi về vùng giá thời điểm năm 2020, hiện đang giao dịch xung quanh mức 18.550 đồng/cổ phiếu. Về kết quả kinh doanh, dù doanh thu thuần sụt giảm nhưng nhờ nguồn thu đột biến từ hoạt động tài chính, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) ghi nhận mức lãi ròng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây với con số đạt 647 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng).
Tương tự, CTD là cổ phiếu có mức sụt giảm khá căng, bay gần 3 lần thị giá từ vùng 112.000 đồng đầu năm hiện còn 43.250 đồng, vùng giá cách đây đúng 2 năm trước khi Covid-19 bùng nổ.
Trong khi đó, triển vọng nhóm cổ phiếu xây dựng đang được đánh giá rất tốt nhờ chương trình kích thích đầu tư công của Chính phủ. Đầu năm 2022, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với quy mô 347,000 tỷ VND tập trung giải ngân trong hai năm 2022-2023, trong đó gần 113,850 tỷ VND (khoảng 1/3 giá trị cả gói) sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng. Các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng như VCG, CTD, CII... sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ chương trình đầu tư công này.
Trên sàn HoSE, ngoài những cổ phiếu được nhắc trên còn rất nhiều cổ phiếu khác rơi về vùng giá của đầu năm 2020 như PLX, SBT, PAN, AAA...Đây cũng đều là những cổ phiếu cơ bản, được đánh giá triển vọng tốt trong vòng ít nhất 2-3 năm tới nhờ triển vọng kinh tế hồi phục hậu Covid-19.
Về mặt định giá, hầu hết các ý kiến tổ chức trong và ngoài nước trên thị trường đều cho rằng với mức sụt giảm như hiện tại, Vn-Index đang ở vùng giá rất hấp dẫn để mua vào sở hữu.
Chứng khoán VDSC cho rằng VN-Index có mức định giá khá hấp dẫn do VN Index đang giao dịch ở mức PE 2022F là 12,4 lần (theo Bloomberg), thấp hơn mức trung bình 10 năm là 14,9 lần (tăng trưởng EPS 2022F là 21%). Đối với VN30, chỉ số này cũng hấp dẫn với PE là 12,3 lần (tính đến ngày 29/4/2022) và PE dự phóng 2022 là 11,1 lần.
Thị trường trải qua giai đoạn khó khăn trước sóng gió đến từ những thông tin bắt bớ/điều tra về hoạt động thao túng thị trường cổ phiếu/bất động sản. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ dần lấy lại cân bằng khi nhìn nhận triển vọng tốt hơn của thị trường về tính minh bạch và ít rủi ro hơn trong trung và dài hạn. Ngoài ra, các sự kiện làm thị trường giảm sâu như trường hợp bắt bớ của ACB, Covid-19 2021 đều tạo cơ hội cho dòng tiền tham gia khi mức định giá của thị trường hấp dẫn hơn.
Lemun Vietnam Fund và Pyn Elite Fund - hai quỹ ngoại cũng bày tỏ lạc quan vào thị trường Việt Nam. Các quỹ này cho rằng, các phản ứng thái quá của thị trường tạo ra nhiều cơ hội hơn là đe doạ. Chỉ số P/E của Vn-Index trong dự báo thu nhập năm 2022 hiện ở mức 12,7 hấp dẫn hơn so với mức trung bình 17,6 của Thái Lan, Phillipines và Indonesia. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn hiện đang giao dịch dưới mức P/E 10 bất chấp tiềm năng tăng trưởng mạnh.
Ở gốc độ quản lý, trước sự lao dốc thảm khốc của thị trường, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại của thị trường, cũng như bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại. Trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường.