Theo tờ Guardian, mùa mốt đầu năm 2023 đã chứng kiến sự vắng mặt của những người mẫu ngoại cỡ trên sàn diễn. Những người mẫu nữ siêu gầy thống trị 4 sự kiện thời trang lớn nhất hành tinh, diễn ra tại Milan, New York, Paris và London.
Chỉ có 51 người mẫu ngoại cỡ (tương đương 5,09% tổng số nghệ sĩ trình diễn) xuất hiện tại Tuần lễ thời trang New York, theo Fashion Spot. Còn theo Tagwalk, số lượng người mẫu mid-size (cỡ trung) và plus-size (ngoại cỡ) trình diễn trang phục nữ giảm 24% so với mùa trước. Chỉ 68 thương hiệu chọn người mẫu của một trong hai nhóm, giảm so với con số 90 thương hiệu vào mùa trước.
Sự thiếu đa dạng về kích cỡ càng đáng chú ý khi nhắc đến các thương hiệu xa xỉ. New York Times chỉ ra rằng Saint Laurent, Louis Vuitton, Gucci, Prada và Moschino hoàn toàn không chọn mẫu plus-size hoặc mid-size. Trong khi, Michael Kors, Dolce & Gabbana và Alexander McQueen nằm trong số hãng chỉ yêu thích một người mẫu plus-size hoặc mid-size, và Chanel là thương hiệu xa xỉ duy nhất có người mẫu thuộc cả ba nhóm này.
Tôn sùng thân hình mảnh khảnh là vấn đề nhức nhối trong ngành thời trang. Mở rộng ra, nhiều người nổi tiếng đã bị chỉ trích vì cổ xúy phương pháp ép cân thiếu khoa học. Vài năm gần đây, làng thời trang đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của nhóm người mẫu plus-size và mid-size, nổi bật nhất phải kể đến Paloma Elsesser, Jill Kortleve và Precious Lee.
Thực tế, nhu cầu về quần áo đa dạng kích cỡ đang ở mức cao. Thị trường thời trang ngoại cỡ được định giá 276 tỷ USD vào năm 2022, con số này dự kiến tăng lên 288 tỷ đô USD vào năm nay, theo công ty nghiên cứu thị trường Future Market Insights.
Tuy nhiên, tại địa hạt thời trang xa xỉ, cụm từ "thanh mảnh" tiếp tục thống trị. Jane Belfry - nhà sáng lập và giám đốc công ty quản lý người mẫu Btwn Mgmt - nhận định các thương hiệu xa xỉ không muốn tốn thời gian cho việc bổ sung trang phục, phụ kiện có kích thước khác nhau trong cùng bộ sưu tập. Khi sắp diễn ra tuần lễ thời trang, họ không muốn tự "làm khổ" mình nên chỉ chấp nhận mẫu size 12 - 14, mặc dù 2/3 phụ nữ Mỹ mặc trang phục cỡ trên 14.
Có thể nói, phụ nữ sở hữu chỉ số cân nặng lớn bị các nhãn hàng cao cấp “ngó lơ”. Điều tương tự xảy ra với người dùng thời trang thấp (dưới 160 cm). Liza Belmonte, người sáng lập Kjinsen, một nhãn hiệu thời trang cao cấp cho biết: “Một nửa dân số nữ trên thế giới cao dưới 160 cm, nhưng họ chưa nhận được sự chú ý của các thương hiệu may mặc. Nếu mua sắm ở thị trường xa xỉ, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm trang phục có số đo phù hợp”.
Các chuyên gia lý giải, trong khi cái ăn không còn là nỗi lo thường trực của con người nữa, và luyện tập giữ dáng bắt đầu trở thành mối quan tâm thường thức, thì biểu hiện của một con người thượng lưu, giàu có và sành điệu là khi họ có dáng hình thanh mảnh, săn chắc. Bởi chỉ có đối tượng này mới có đủ thời gian và kinh phí để chăm lo không ngừng cho vẻ đẹp vóc dáng của mình. Vô hình trung, thân hình mảnh dẻ bỗng được đồng nghĩa với giới thượng lưu giàu có trong bối cảnh xã hội “muốn béo không khó, muốn gầy mới khó”.
Từ đây, các thương hiệu cao cấp bắt đầu thiết kế dòng sản phẩm mà khi khách hàng mua đồ, ngay lập tức, vị khách đó sẽ gia nhập vào “câu lạc bộ thượng lưu”. Đó là lý do tại sao, một số thương hiệu nổi tiếng không bao giờ sản xuất dòng sản phẩm dành cho người “ngoại cỡ” và những người mẫu thanh mảnh được coi một cách “tiếp thị” hiệu quả cho các sản phẩm thời trang hướng đến giới siêu giàu. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tất cả các thương hiệu quan tâm hàng đầu chính là giữ chân khách hàng lớn - những người tiêu dùng dám chi tiêu mạnh tay nhất, do đó họ đương nhiên chỉ hướng tới nhóm khách hàng thượng lưu.
Emma Matell, Giám đốc tuyển chọn người mẫu ở London, phát biểu: "Thương hiệu xa xỉ được xây dựng trên sự độc quyền. Họ chỉ coi trọng phụ nữ gầy guộc và giàu có". Sự thiếu vắng nhóm người mẫu plus-size và mid-size chứng minh nhận định của chuyên gia là đúng, rằng "cam kết của ngành đối với sự tích cực cơ thể chỉ là chủ nghĩa tượng trưng". Theo bà Matell, trách nhiệm thuộc về CEO của những hãng thời trang khổng lồ. “Họ dễ dàng tạo ra hàng loạt chiến dịch tiếp thị tiêu tốn triệu USD, nhưng sau đó cố tình chọn không chi tiền cho việc phát triển quy mô toàn diện".
Tương tự, Naomi Pike, biên tập viên kỳ cựu của tạp chí Vogue, bày tỏ sự thất vọng: "Thật đáng buồn khi chứng kiến sự trở lại của những cơ thể gầy gò. Nhìn vào những sàn diễn thuộc khuôn khổ Tuần lễ thời trang vừa qua, có thể thấy nền công nghiệp của chúng ta đang phát triển thụt lùi''. Chuyên gia hình ảnh Elizabeth Daniels lo ngại, với sự tiên phong của sàn diễn thời trang, phụ nữ sẽ lao vào những chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, trong khi các chế độ giảm cân sốc có thể gây ra bệnh biếng ăn, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần.
Theo Daily Mail, hiện tại, mới chỉ có Pháp là quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc bảo vệ sức khỏe cho người mẫu, Từ năm 2015, nước này đã thông qua một đạo luật cấm sử dụng người mẫu siêu gầy. Tất cả các người mẫu đều cần có giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện, khẳng định rằng người mẫu đó có sức khỏe và cân nặng bình thường, mới được phép tham gia vào các show trình diễn thời trang. Nhà thiết kế nào sử dụng người mẫu không có giấy chứng nhận sức khỏe có thể bị xem là phạm tội và có thể phải chịu mức án 6 tháng tù giam và nộp mức tiền phạt tương đương 1,5 tỷ đồng.