Thống kê mới nhất từ Yuanta cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn mua ròng của khối ngoại.
Giai đoạn thứ nhất, từ tháng 1/2012 đến tháng 8/2014, khối ngoại mua ròng 14.273 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng giá trị giao dịch trên HOSE trong vòng 32 tháng, tỷ lệ giao dịch khối ngoại bình quân chiếm 15%. Sau khi đã mua ròng 11 tháng, khối ngoại bắt đầu mua ròng mạnh vào tháng 11/2012, điều này hỗ trợ VN-Index tăng 68,5 % từ tháng 11/2012 tới khi kết thúc chu kỳ mua ròng của khối ngoại vào tháng 8/2014.
Giai đoạn hai từ tháng 1/2017 tới tháng 8/2019, khối ngoại mua ròng 80.484 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng giá trị giao dịch trên HOSE trong vòng 32 tháng, tỷ lệ giao dịch khối ngoại bình quân chiếm 16%. Sau khi đã mua ròng 11 tháng, khối ngoại bắt đầu mua ròng mạnh vào tháng 11/2017, điều này hỗ trợ VN-Index tăng 36,25% từ tháng 11/2017 tới tháng 4/2018 sau đó giảm 17,87% vào tháng 8/2019 cũng là khi kết thúc chu kỳ mua ròng của khối ngoại.
Giai đoạn ba là thứ tháng 11/2022 tới nay. Khối ngoại đã bắt đầu mua ròng từ tháng 11/2022 cho tới nay với giá trị mua ròng đạt 30.147 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng giá trị giao dịch trên HOSE, tỷ lệ giao dịch khối ngoại bình quân chiếm 12%. Chỉ số VN-Index cũng đã có dấu hiệu hồi phục từ giai đoạn giữa tháng 11 cho tới nay.
"Dựa trên dữ liệu hai giai đoạn mua ròng của khối ngoại trong quá khứ cho thấy khả năng khối ngoại sẽ tiếp tục duy trì đà mua ròng trong năm 2023 và kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên chỉ số VN-Index" ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta kỳ vọng.
Các giai đoạn mua ròng của khối ngoại gần như đều có đóng góp lớn từ các quỹ ETF. Lượng mua ròng từ quỹ ETF luôn có tỷ trọng lớn trong các giai đoạn mua ròng của khối ngoại, lần lượt chiếm 80% và 11% tổng giá trị mua ròng của giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
Từ 11/2022- nay mua ròng tới từ các quỹ ETF chiếm đến 56,8% tổng giá trị mua ròng của khối ngoại. Các quỹ ETF toàn phần Việt Nam tức là 100% danh mục là chứng khoán Việt Nam, có xu hướng hút vốn mạnh mẽ nhờ quy mô, chất lượng thị trường chứng khoán tăng, câu chuyện nâng hạng thị trường và nhiều chỉ số tham chiếu ra đời như VN Diamond, VNFin Lead...
Từ thời điểm ngày 1/11/2022 tới ngày 16/1/2023 các quỹ ETF toàn phần Việt Nam hút ròng với tỷ lệ lên tới 87,3% trong tổng số các ETF đầu tư vào Việt Nam.
"Xu hướng này càng rõ ràng khi đầu tư vào ETF cho thấy nhiều ưu điểm hơn so với quỹ truyền thống và Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá triển vọng nhờ: quy mô, chất lượng thị trường chứng khoán; câu chuyện nâng hạng thị trường; chỉ số mới ra đời", ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh.
Theo quốc gia, dòng vốn ETF từ Mỹ giảm mạnh so với 10 năm trước, từ 471 triệu USD giai đoạn năm 2012-2014 xuống chỉ còn 257 triệu USD ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, giai đoạn 2019-2022 con số này lên thấp chỉ ở mức 59 triệu USD.
Bên cạnh đó, trong khi dòng vốn ETF từ EU cũng có xu hướng giảm rõ hơn thì động lực dẫn dắt và xu hướng mới tới từ các quỹ ETF nội và các nước châu Á đặc biệt là Fubon đến từ Đài Loan. Các quỹ từ Đài Loan mua mạnh với giá trị 509 triệu USD trong giai đoạn 2019-2022 và từ cuối năm 2022 tới nay tiếp tục hút ròng 212,6 triệu USD, như vậy tổng giá trị hút ròng lên tới hơn 700 triệu USD tương đương 16.500 tỷ đồng.
Các quỹ ETF từ các nước châu Á và các quỹ ETF nội duy trì đà mua ròng ngay cả trong giai đoạn khối ngoại bán ròng mạnh, 8/2019 – 2021.
Sau khi thành lập với quy mô AUM tương đối nhỏ, các quỹ ETF từ US và EU liên tục hút dòng tiền từ năm 2014- 2019. Từ năm 2020 đến nay, nguồn vốn ETF có thêm sự đóng góp mạnh mẽ bởi sự ra đời của các quỹ ETF mới.
Cũng theo thống kê này, có 2 giai đoạn bùng nổ thành lập các quỹ ETF vào Việt Nam.
Giai đoạn đầu là 2008 - 2014: Quy mô ban đầu nhỏ, chủ yếu từ US, EU và hầu như là các ETF đầu tư vào các thị trường Frontier.
Giai đoạn hai là từ năm 2018 – nay: Quy mô ban đầu lớn, chủ yếu từ châu Á và ETF nội, hầu như là ETF đầu tư 100% danh mục vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Chẳng hạn như SSIAM VNFIN LEAD, VinaCapital VN100; SSIAM VN30; MAFM VN30; KIM Growth VN30; FUBON FTS Vietnam; CSOP FTSE Vietnam...