Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm gần 8% trong tháng 2 và chỉ còn tăng 1,7% so với đầu năm. Biến động mạnh của thị trường chủ yếu chịu tác động từ 2 yếu tố, bao gồm rủi ro thanh khoản hệ thống và áp lực từ thị trường tiền tệ trong nước, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất nếu bước tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương Mỹ trong tháng 3 cao hơn kỳ vọng.
Theo đánh giá của SSI Research, việc giảm mạnh hơn thị trường chứng khoán thế giới trong tháng vừa qua cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu tác động mạnh hơn từ rủi ro thanh khoản đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Do đó, dòng tiền vào thị trường chứng khoán đang giảm đi khá nhiều so với giai đoạn trước.
Trong ngắn và trung hạn, thị trường vẫn còn rủi ro tiềm ẩn và chưa có kỳ vọng bứt phá bởi ngoài điểm sáng đến từ FDI và đầu tư công thì thách thức từ bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều đến từ hoạt động sản xuất, tiêu dùng và lạm phát.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn chịu áp lực biến động trong ngắn hạn do những diễn biến phức tạp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và biến số đến từ động thái của FED. Tuy nhiên, đợt giảm vừa qua của thị trường có thể đã phản ánh sớm phần nào các rủi ro này.
Xét định giá, hệ số P/E hiện tại của VNIndex (dựa trên lợi nhuận thực của năm 2022) đang ở mức 13,5 lần. Nhìn vào quá khứ, về mặt thống kê mặc dù mức này thấp hơn so với mức bình quân 10 năm (15,2 lần), tuy nhiên vẫn cao hơn mức cận dưới của biên độ dao động (11,5 lần).
Điều này gợi ý khả năng thị trường vẫn còn dư địa biến động tiêu cực trong ngắn hạn, tuy nhiên biến động kỳ vọng không quá lớn do đã phản ánh một phần ở đợt giảm tháng 2.
Nhìn xa hơn, P/E ước tính cho năm 2023 của VN-Index đang ở mức 9,6 lần thấp hơn đáng kể so mức trung bình 10 năm (13,2 lần) và cũng thấp hơn mức cận dưới (10,4 lần).
Mức P/E thấp đang phản ánh sự quan ngại về khả năng lợi nhuận của các công ty niêm yết năm 2023 sẽ yếu hơn dự kiến, tuy nhiên nhìn xa hơn, dòng tiền dài hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh ngắn hạn chọn lọc và tích lũy dần cổ phiếu để hướng đến kỳ vọng phục hồi vào năm 2024 khi các thách thức vĩ mô giảm dần.
Các yếu tố có thể sẽ tác động tích cực lên thị trường trong ngắn hạn cần theo dõi bao gồm rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể được hạn chế nhờ các biện pháp điều hành của Chính phủ, cụ thể là Nghị định 08/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022 và Nghị định 153/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa được ban hành và FED duy trì bước tăng lãi suất 25 điểm trong cuộc họp chính sách ngày 21-22 tháng 3 tới.
Trạng thái kỹ thuật hiện tại cũng cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi. Chỉ số VN-Index điều chỉnh lại trong tháng 2 khi MA 20 ngày tiệm cận trở lại các đường MA trung hạn như MA 50, còn MACD vận động dưới mốc 0 xác nhận thêm cho xu hướng giảm ngắn hạn.
Khối lượng giao dịch thu hẹp trong xu hướng giảm ngắn hạn khi một bộ phận nhà đầu tư vẫn chờ tìm kiếm cơ hội tại các vùng hỗ trợ cho tín hiệu cân bằng hơn.
Trong tháng 3, vận động của thị trường cũng như xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index được quyết định bởi khả năng kiểm định MA 20 ngày của chỉ số.
Nếu các nhịp hồi phục hiện tại đối diện với lực bán quanh MA 20 ngày thì đây chỉ là các nhịp “pull back” trong xu hướng giảm ngắn hạn và nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp diễn pha điều chỉnh với vùng hỗ trợ gần là quanh mốc 1.000 điểm.
Trong kịch bản khả quan hơn, chỉ số VNIndex chinh phục trở lại MA 20 ngày đi cùng với sự cải thiện của thanh khoản, khi đó nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục mở rộng đà hồi phục với vùng mục tiêu gần là vùng 1.082 – 1.100 điểm.