Theo khảo sát của PwC vào Q1/23 tại Việt Nam, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu nhiều nhất đối với các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm hàng xa xỉ 54% khảo sát, thiết bị điện tử 38% khảo sát, thời trang 34% khảo sát, đồ gia dụng 34% khảo sát,… và đã phản ánh vào kết quả không khả quan của các doanh nghiệp bán lẻ và tiêu dùng trên thị trường, từ bán lẻ điện tử gia dụng kể từ Q4/22 đến hàng xa xỉ từ T4/2023.
Ngoài ra, một trong những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng không thiết yếu, đến từ việc thắt chặt tài chính tiêu dùng sau cuộc điều tra một số công ty tài chính tiêu dùng và tỷ lệ nợ xấu cao, đại diện là FE Credit xấp xỉ 45% thị phần tài chính tiêu dùng đã tăng liên tục lên mức 23,7% vào cuối Q1/23, sẽ khiến dòng tiền từ tín dụng tiêu dùng giải ngân cho tiêu dùng giảm có thể đóng góp tới 30% doanh thu cho các công ty bán lẻ.
Hầu hết kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu tiêu dùng đều bị ảnh hưởng tiêu cực trong Q1/23.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành bán lẻ vừa công bố, VnDirect cho rằng thời điểm tiêu dùng tồi tệ nhất và đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 và đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực trong nửa sau 2023.
Với những chuyển biến tích cực tại Mỹ khi CPI dần hạ nhiệt, gánh nặng tiêu dùng sẽ được giải tỏa không chỉ tại thị trường Mỹ khi chính sách tiền tệ của Fed sẽ có tác động lan tỏa toàn cầu. Kỳ vọng các đơn hàng mới từ các thị trường xuất khẩu chính sẽ tăng tốc từ nửa cuối 2023, qua đó giúp giảm bớt lo ngại về “lạm phát“, “thất nghiệp“ và “kinh tế Việt Nam suy thoái” và từng bước ổn định thu nhập giúp Việt Nam bước vào chu kỳ tiêu dùng mới.
Bên cạnh đó, xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp tục sau các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, giúp tín dụng tiêu dùng dần quay trở lại sau khi nợ xấu được kiểm soát.
Đối với các sản phẩm ICT, đặc biệt là điện thoại thông minh, với chu kỳ thay thế điện thoại ước tính từ 2-2,5 năm,kỳ vọng Q4/23 sẽ là thời điểm bùng nổ khi niềm tin của người tiêu dùng sau khi “chạm đáy” sẽ tăng lên và nhu cầu mạnh mẽ sau 1 năm thắt chặt tiêu dùng.
Các nhà bán lẻ lớn đang tiến hành cuộc chiến “giá rẻ” trong bối cảnh nhu cầu yếu để giảm tồn kho đồng thời duy trì/mở rộng thị phần nhờ quy mô lớn và khả năng tài chính mạnh. Có thể thấy MWG và FRT với thị phần hơn 60% thị trường điện thoại di động sẽ có cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh và mở rộng thị phần sau khi bước vào chu kỳ phục hồi của tiêu dùng.
Trong khi đó, ở mảng tạp hóa hiện đại, với đại diện là Bách hóa Xanh và Winmart, vẫn duy trì doanh thu ổn định nhưng chịu tác động “sụt giá tiêu dùng – down trading effect”. Tuy nhiên, doanh thu các chuỗi này sẽ tốt hơn khi quy mô giỏ hàng tăng trở lại trong khi lưu lượng giao dịch qua BHX và Winmart đã tăng 15% trong Q1/23 so với trước đây.
Đối với mảng dược phẩm, Long Châu trở thành chuỗi nhà thuốc bán lẻ lớn nhất với 1.234 cửa hàng, đạt lợi nhuận khả quan ước tính hơn 60 tỷ đồng trong Q1/23 và tiếp tục đà mở rộng, trong khi An Khang ghi nhận khoản lỗ 74 tỷ đồng trong Q1/23 và ngừng mở mới cửa hàng.
Sau khi chạm đáy từ giai đoạn tiêu thụ yếu, VnDirect cho rằng các công ty phân phối và bán lẻ điện tử tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất kể từ Q4/23 trở đi.
Với dân số hơn 100 triệu người và nhóm nhân khẩu học trẻ, trong đó 70% dưới 35 tuổi, dân số am hiểu công nghệ của Việt Nam cùng với sự phát triển của nền kinh tế internet và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu sẽ tạo nhu cầu cao về nhiều loại sản phẩm từ điện tử tiêu dùng đến thiết bị gia dụng và duy trì mức tăng trưởng bền vững từ 6%-10%/năm trong giai đoạn 2023-26 dựa trên báo cáo của Euromonitor.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, mặc dù thị trường có sự tăng trưởng mạnh ở phân khúc sản phẩm điện tử tiêu dùng từ 2020-2022, nhưng tiêu thụ sản phẩm điện tử tiêu dùng, đặc biệt là sản phẩm thiết bị gia dụng sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh nhất khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên trong sự phát triển lâu dài của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, VnDirect đưa ra khuyến nghị khả quan cho bốn cổ phiếu gồm: VRE, DGW, MGW, PNJ.