Kinh tế thế giới đang có khả năng rơi
vào một thời kỳ suy thoái hiếm gặp, với thương mại toàn cầu năm tới sẽ
lần đầu tiên sụt giảm từ năm 1982 tới nay và dòng vốn đổ vào các nước
đang phát triển sẽ sụt giảm 50%.
Đây là thông tin được đưa ra trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9/10.
Theo giới quan sát, báo cáo nói trên của WB được coi là một trong những báo cáo u ám nhất về kinh tế thế giới trong thời gian gần đây. “Cuộc khủng hoảng tài chính đang có nguy cơ dẫn tới một thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất từ Đại khủng hoảng tới nay”, kinh tế gia trưởng Justin Lin của WB nhận xét.
Theo báo cáo này, kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm 2009, giảm mạnh so với mức dự báo 2,5% trong năm nay và mức tăng 4% trong năm 2006. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất của kinh tế toàn cầu từ năm 1982 - năm kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 0,3% - tới nay.
Về kinh tế các nước đang phát triển, WB cho rằng, mức tăng trưởng của năm tới sẽ là 4,5%. Theo các nhà kinh tế học, mức tăng trưởng như vậy ở các nền kinh tế này đồng nghĩa với sự suy thoái, vì các nền kinh tế đang phát triển phải cần mức tăng trưởng cao hơn thế để tạo đủ việc làm cho dân số tăng nhanh.
“Ở các nền kinh tế đang phát triển, không nhất thiết tăng trưởng âm mới đồng nghĩa với suy thoái”, ông Hans Timmer, người phụ trách bộ phận nghiên cứu và dự báo kinh tế quốc tế của WB cho hay. Ông cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp và số nhà máy đóng cửa gia tăng ở các nước đang phát triển trong thời gian tới.
Cũng theo báo cáo này, kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ chỉ tăng 6,2% trong năm nay và sụt giảm 2,1% trong năm tới, so với mức tăng 9,8% trong năm 2006. Lần sụt giảm mạnh gần đây nhất của thương mại thế giới diễn ra vào năm 1975, với mức giảm 1,9%.
Báo cáo này cũng cho rằng, lượng vốn ròng của khu vực tư nhân đổ vào các nước đang phát triển sẽ giảm từ mức 1.000 tỷ USD trong năm 2007 xuống còn mức 530 tỷ USD trong năm 2009. Sự sụt giảm dòng vốn đổ vào này sẽ khiến hoạt động đầu tư tại các nước đang phát triển giảm mạnh, khiến tăng trưởng đầu tư tại đây giảm từ mức 13% trong năm 2007 xuống còn 3,4% trong năm 2009.
Theo WB, sự chấm dứt của thời kỳ 5 năm bùng nổ giá hàng hóa, trong đó có dầu thô, cũng sẽ khiến không ít quốc gia xuất khẩu các mặt hàng này bị tổn thương, mặc dù sự giảm giá thực phẩm và nhiên liệu giảm bớt áp lực đối với cuộc sống của người dân ở nhiều nước.
Với dự báo trên, WB khuyến nghị các nước thực hiện các chương trình kích thích tài khóa lớn để hỗ trợ tăng trưởng. Bản thân WB đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển trong vòng 3 năm tới.
Các chuyên gia của WB cho rằng, thời kỳ suy thoái kinh tế mà thế giới sắp rơi vào có nhiều điểm chung với thời kỳ Đại khủng hoảng 1930 hơn là các giai đoạn suy thoái của những năm 1970 và 1980. “Đây không phải là một cú sốc nguồn cung, cũng không phải là sự sụt giảm nhu cầu, mà là sự suy giảm mạnh của hoạt động tín dụng”, kinh tế gia trưởng Lin của WB nói.
(Theo IHT)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate