February 20, 2025 | 08:50 GMT+7

Thời trang lưu trữ bùng nổ trên thị trường bán lại

Minh Anh -

Thời trang xa xỉ từ lâu đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với quá khứ, thường xuyên lấy cảm hứng từ các thiết kế lưu trữ để định hình các bộ sưu tập đương đại…

Ảnh: Triển lãm lưu trữ “Gabrielle Chanel. Fashion Manifesto” tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Ảnh: Triển lãm lưu trữ “Gabrielle Chanel. Fashion Manifesto” tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Thị trường bán lại, từng được xem là một phân khúc nhỏ dành cho những người đam mê đồ vintage, nay đã phát triển thành một hệ sinh thái toàn cầu tinh vi.

Các nền tảng như The RealReal, Vestiaire Collective và Grailed đã biến việc mua sắm đồ second-hand trở thành một trải nghiệm liền mạch, được hỗ trợ bởi dữ liệu chuyên sâu, với các bộ sưu tập được tuyển chọn kỹ lưỡng và dịch vụ xác thực không thua kém các kênh bán lẻ xa xỉ truyền thống.

Theo báo cáo từ Future Market Insights, thị trường thời trang second-hand toàn cầu được định giá khoảng 43,49 tỷ USD vào năm 2024, trong đó các thiết kế thời trang lưu trữ (archival fashion) chiếm một phần đáng kể. Kết quả là người tiêu dùng ngày nay có khả năng tiếp cận các món đồ mang tính biểu tượng - thậm chí chính những thiết kế mà các thương hiệu đang cố gắng hồi sinh - mà không cần phải bước chân vào bất kỳ cửa hàng chính hãng nào.

Thời trang lưu trữ bùng nổ trên thị trường bán lại - Ảnh 1

"Thời trang vintage đã trở thành một biểu tượng xa xỉ theo cách riêng của nó", Samina Virk, Giám đốc điều hành tại Mỹ của Vestiaire Collective - một sàn thương mại điện tử toàn cầu chuyên về thời trang xa xỉ đã qua sử dụng - nhận định.

“Không phải lúc nào người ta cũng thích những thứ mới. Đôi khi, người tiêu dùng cảm thấy thích thú hơn với những món đồ cũ và khó tìm”. Bà Samina Virk cho biết. Hiện tại, người mua sắm đang tìm kiếm trên trang web của Vestiaire những thiết kế "Gucci lưu trữ", cùng với các thương hiệu như Prada, Miu Miu và Saint Laurent.

SỨC HÚT CỦA THỜI TRANG LƯU TRỮ

Vậy chính xác thời trang lưu trữ là gì và làm thế nào để phân biệt nó với quần áo vintage thông thường hay đồ second-hand? Theo định nghĩa chung, bất kỳ món đồ nào (từ ô tô đến trang phục) có tuổi đời ít nhất 20 năm đều có thể được coi là vintage.

Tuy nhiên, theo Sotheby’s, để một thiết kế được xem là “lưu trữ”, nó cần có ý nghĩa đặc biệt đối với thương hiệu cũng như ngành công nghiệp thời trang nói chung - tức là nó đã từng xuất hiện trong một bộ sưu tập chính thức và không chỉ đơn thuần là một sản phẩm được sản xuất theo chu kỳ hàng mùa. 

Thời trang lưu trữ bùng nổ trên thị trường bán lại - Ảnh 2

Những thiết kế lưu trữ thường gắn liền với một câu chuyện hoặc huyền thoại nhất định. Chúng có thể là những tác phẩm đã định hình một thế hệ phong cách hoặc đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của một nhà thiết kế - dù thành công hay thất bại. Đặc điểm nổi bật của thời trang lưu trữ chính là sự hiếm có, khiến việc sở hữu một món đồ lưu trữ trở thành một trải nghiệm đặc biệt và đầy phấn khích.

Thời trang lưu trữ có ý nghĩa quan trọng vì nó mang đến một góc nhìn bao quát hơn về ngành công nghiệp này. Trong khi giới thời trang liên tục hướng đến tương lai, chạy theo các xu hướng mới và mùa mốt sắp tới, thì thời trang lưu trữ lại tập trung vào những gì đã được tạo ra và trình diễn, giúp nhìn nhận giá trị của quá khứ trong dòng chảy sáng tạo.

Kho lưu trữ của nhà mốt Gucci
Kho lưu trữ của nhà mốt Gucci

Thời trang vốn là một ngành công nghiệp mang đậm tính hoài niệm. Trong những năm gần đây, thời trang lưu trữ đã có sự trở lại rõ nét trên các thảm đỏ khắp thế giới. Ngày càng nhiều ngôi sao và các stylist lựa chọn những thiết kế từ quá khứ cho những khoảnh khắc thời trang quan trọng.

Nữ diễn viên Zendaya trong một thiết kế lưu trữ từ năm 1996 của Givenchy.
Nữ diễn viên Zendaya trong một thiết kế lưu trữ từ năm 1996 của Givenchy.

Các nhà mốt ngày nay cũng thường xuyên tìm về kho lưu trữ của chính mình để lấy cảm hứng. Chẳng hạn, các bộ sưu tập mới nhất của Prada, Valentino hay Gucci đều có những dấu ấn đặc trưng từ lịch sử thương hiệu. Đồng thời, những tín đồ thời trang vẫn không ngừng hoài niệm về thời kỳ hoàng kim của những năm 1980 và 1990 – một giai đoạn được nhớ đến với niềm vui, sự hào nhoáng và sức sáng tạo không giới hạn.

Kho lưu trữ của nhà mốt Prada
Kho lưu trữ của nhà mốt Prada

Một số thiết kế lưu trữ đáng chú ý có thể kể đến như những chiếc corset từ bộ sưu tập Portrait Collection năm 1990 của Vivienne Westwood hay áo vest chống đạn của Helmut Lang ra mắt năm 1997. Những món đồ này hiện được bán trên các trang đấu giá với mức giá hàng nghìn USD.

Những chiếc corset lưu trữ từ bộ sưu tập Portrait Collection ra mắt năm 1990 của Vivienne Westwood có giá trị lên đến hàng nghìn USD.
Những chiếc corset lưu trữ từ bộ sưu tập Portrait Collection ra mắt năm 1990 của Vivienne Westwood có giá trị lên đến hàng nghìn USD.

“Đây không chỉ đơn thuần là những món đồ vintage thông thường,” Christian Ferguson, chủ cửa hàng thời trang Archive Threads tại Toronto, nhận định. “Chúng đã góp phần củng cố sự nghiệp của những nhà thiết kế vĩ đại nhất thế giới, đồng thời phá vỡ những ranh giới trong bối cảnh xã hội, chính trị và kinh tế có nhiều biến động.”

LIỆU THỜI TRANG LƯU TRỮ CÓ THỰC SỰ DỄ TIẾP CẬN?

Khi thời trang cao cấp ngày càng trở nên dễ tiếp cận, thời trang lưu trữ được xem như “thành trì cuối cùng” của tính nguyên bản trong ngành công nghiệp vận hành với tốc độ tên lửa này. Không ai có thể sở hữu một món đồ lưu trữ mà không dành thời gian và công sức để nghiên cứu, săn lùng – nghĩa là việc trở thành một nhà sưu tầm thời trang lưu trữ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ có tài chính. Và khi tìm được món đồ quý hiếm ấy, giá của nó chắc chắn cũng không hề rẻ.

“Theo dõi một giai đoạn cụ thể trong sự nghiệp của một nhà thiết kế có thể ngay lập tức đưa ta trở lại một thời điểm sáng tạo hoặc văn hóa quan trọng, nơi mọi thứ đã thay đổi,” Damien Paul, Giám đốc mảng thời trang nam của nền tảng thương mại điện tử xa xỉ Matches, chia sẻ.

“Hãy nghĩ đến những show diễn lịch sử của Yves Saint Laurent, Galliano hay McQueen – những sự kiện mang ý nghĩa to lớn. Ngay cả khi không có mặt trực tiếp, người ta vẫn nhớ đến chúng và cảm nhận được sự kết nối cảm xúc với những thiết kế ấy. Chính vì vậy, nhu cầu sưu tầm những thiết kế thuộc khoảnh khắc mang tính biểu tượng này chưa bao giờ giảm sút”.

Thời trang lưu trữ bùng nổ trên thị trường bán lại - Ảnh 3

Sự chuyển hướng sang thời trang lưu trữ của người tiêu dùng đang đặt các nhà mốt cao cấp vào một nghịch lý. Khi khai thác những chất liệu quá khứ mà không có sự đổi mới đáng kể, họ vô tình dẫn dắt nhóm khách hàng trung thành nhất của mình đến với thị trường thứ cấp – điều mà họ từ lâu đã cố gắng kiểm soát. Sự bùng nổ của thị trường mua bán lại, từng bị xem là một trào lưu nhất thời, nay đã trở thành một lực lượng bền vững trong ngành, một phần không nhỏ do chính sự ngần ngại đổi mới của các thương hiệu xa xỉ.

Để duy trì sức cạnh tranh, các thương hiệu cần cân nhắc lại chiến lược của mình. Việc lấy cảm hứng từ kho lưu trữ không phải là một điểm yếu – nó có thể củng cố di sản thương hiệu, khai thác tâm lý khách hàng và thúc đẩy nhu cầu – nhưng điều quan trọng là phải có sự tái sáng tạo.

Những nhà thiết kế có màn tái sinh thành công nhất cho thương hiệu luôn biết cách diễn giải lịch sử qua lăng kính hiện đại, cân bằng giữa yếu tố quen thuộc và sáng tạo mang tính đột phá. Nếu thiếu đi sự phát triển này, các thương hiệu không chỉ làm suy giảm giá trị của mình mà còn có nguy cơ đánh mất quyền kiểm soát câu chuyện thương hiệu vào tay thị trường thứ cấp – nơi đang ngày càng nhanh nhạy hơn, dễ tiếp cận hơn và hấp dẫn hơn đối với nhóm khách hàng xa xỉ ngày nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate