October 15, 2024 | 16:30 GMT+7

Thống nhất cách triển khai điều chỉnh Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024

Nhĩ Anh -

Việc điều chỉnh Bảng giá đất thuộc thẩm quyền của UBND, nếu các địa phương thấy bảng giá trên địa bàn đang ổn định, áp dụng tốt, không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội thì có thể giữ nguyên; nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh giá đất tại một số vị trí, đối tượng, loại đất, hoặc điều chỉnh tổng thể Bảng giá đất thì điều chỉnh nhưng phải đảm bảo trình tự, thủ tục của Nghị định 71 và quy định của Luật Đất đai 2024...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân vừa chủ trì cuộc họp với 21 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Sơn La, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, Hậu Giang, An Giang, Quảng Trị, Quảng Nam) về triển khai điều chỉnh Bảng giá đất giai đoạn 2020- 2024 theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua đã nhận được báo cáo của một số địa phương về tiến độ xây dựng các văn bản theo thẩm quyền được giao và khó khăn, lúng túng trong triển khai điều chỉnh Bảng giá đất giai đoạn 2020- 2024 theo quy định tại khoản 1, Điều 257 Luật Đất đai 2024.

Để có phương án xử lý giải quyết một số khó khăn, vướng mắc theo báo cáo của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp để thống nhất việc thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.

Thống nhất cách triển khai điều chỉnh Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 - Ảnh 1

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương đã trao đổi về những vấn đề lúng túng, khó khăn cụ thể trong việc điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại khoản 1, Điều 257 Luật Đất đai 2024, việc xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá sản phẩm về lĩnh vực đất đai để áp dụng trên địa bàn, xác định giá đất để đấu giá…

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành liên quan và các địa phương đã chủ động, phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng Luật Đất đai 2024 và các Văn bản quy định chi tiết thi hành Luật từ Trung ương tới địa phương.

Tuy nhiên tiến độ ban hành Văn bản của địa phương còn chậm do Luật Đất đai đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nên số lượng các nội dung giao cho địa phương quy định nhiều, trong khi các địa phương đều hạn chế về nguồn nhân lực, thời gian, kinh nghiệm…

Do đó Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị lãnh đạo các địa phương cần tập trung chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng và ban hành các Văn bản theo thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về khó khăn, lúng túng trong việc triển khai điều chỉnh Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 theo quy định tại khoản 1, Điều 257 Luật Đất đai 2024, ông Ngân khẳng định, đây là quy định chuyển tiếp để xử lý cho các địa phương trong quá trình từ khi Luật có hiệu lực tới ngày 1/1/2026 (ngày Bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực).

Để các địa phương chủ động trong việc này, khoản 1, Điều 257 quy định: “Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”.

Ông Ngân cho rằng việc điều chỉnh Bảng giá đất thuộc thẩm quyền của UBND, do đó, nếu các địa phương thấy bảng giá trên địa bàn đang ổn định, áp dụng tốt, không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội thì có thể giữ nguyên. Nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh giá đất tại một số vị trí, đối tượng, loại đất, hoặc điều chỉnh tổng thể Bảng giá đất thì điều chỉnh nhưng phải đảm bảo trình tự, thủ tục của Nghị định 71 và quy định của Luật Đất đai 2024.

Về định mức kinh tế- kỹ thuật để lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ công tác định giá đất, thuộc thẩm quyền ban hành văn bản của các địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Về xác định giá khởi điểm đất đấu giá, Luật Đất đai quy định đối với khu vực đã được đầu tư xây dựng hạ tầng thì áp dụng bảng giá đất để xác định giá đất khởi điểm, nhưng khi địa phương xây dựng hạ tầng khu đấu giá thấy vị trí khu vực trong bảng giá còn đất thấp, không phù hợp, thì có thể điều chỉnh cục bộ.

Nếu không điều chỉnh bảng giá đất sẽ dẫn tới hiện tượng lợi dụng, đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh, thậm chí sau khi đấu giá một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, bỏ cọc… Do đó, các địa phương phải cẩn thận khi xây dựng phương án đấu giá đất.

Theo ông Ngân, các địa phương có thể quy định rút ngắn thời gian thu tiền sử dụng đất, hoặc quy định đối tượng tham gia đấu giá, quy định phương thức nộp tiền, đặt cọc… theo các quy định pháp luật để hạn chế bỏ cọc trong đấu giá đất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate