June 14, 2019 | 14:39 GMT+7

Thông qua Luật Giáo dục: Không quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai

Nguyễn Lê

Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục

Đại biểu bấm nút thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi)
Đại biểu bấm nút thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi)

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Với đa số phiếu tán thành, sáng 14/6 Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, có ý kiến đề nghị cần đúc kết, chắt lọc để quy định một điều về triết lý giáo dục với những giá trị phổ quát nhất; làm rõ tinh thần học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong triết lý giáo dục Việt Nam.

Theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội, trong dự thảo luật, triết lý giáo dục Việt Nam đã được thể hiện qua mục tiêu "phát triển toàn diện con người Việt Nam", qua tính chất của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa: nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại, qua nội dung, phương pháp giáo dục và chính sách phát triển giáo dục được thể hiện xuyên suốt trong toàn luật.

Về chương trình giáo dục phổ thông, có ý kiến đề nghị giảm bớt số lượng môn học nhằm giảm tải chương trình học và giảm áp lực cho học sinh.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: số lượng các môn học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, Luật Giáo dục quy định mang tính nguyên tắc về yêu cầu, việc thẩm định, ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Việc bảo đảm chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của phát triển xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tâm sinh lý học sinh được giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định với sự giám sát của Quốc hội và xã hội như quy định của dự thảo luật.

Về sách giáo khoa, báo cáo giải trình phản ánh, ý kiến của đa số đại biểu đồng ý pháp điển hóa nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội 13 về: có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành sách giáo khoa sử dụng trong cả nước.

Ông Bình cũng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, Hiến pháp 2013 quy định "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình","công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp" (các điều 5, 42), chưa quy định về ngôn ngữ thứ hai.

Về đối ngoại, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, việc dạy học ngoại ngữ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo rất chú trọng, tôn trọng sự lựa chọn của người học. do đó, xin được giữ như quy định của dự thảo luật (điều 11).

Điều 11: Ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục

1. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ; người khuyết tật được học bằng chữ nổi Braille, ngôn ngữ ký hiệu theo quy định của Luật Người khuyết tật.

3. Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong  cơ sở giáo dục cần bảo đảm để người học được học liên tục, hiệu quả.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate