Theo các báo cáo gần đây cho thấy tại Việt Nam, lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt đã tăng mạnh. Cụ thể, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần một tuần.
Dự đoán giao dịch qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tới 400% vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của kinh tế số. Xu hướng trên có thể diễn ra nhanh hơn do những tác động của dịch bệnh Covid-19, cùng với chính sách chuyển đổi số quốc gia và thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money (tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - Mobile Money).
Với hơn 132,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động trên thị trường, dịch vụ Mobile-Money được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đưa hình thức thanh toán không tiền mặt đến mọi người dân trong cả nước…
"Sự phụ thuộc vào ví điện tử và các ứng dụng ngân hàng di động ngày càng tăng sẽ thu hút sự quan tâm từ tội phạm mạng. Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng các nỗ lực phishing và smishing nhắm vào người dùng ngân hàng di động. Những sự cố này sẽ gia tăng trong thời gian tới. Do đó điều quan trọng là thiết bị phải được bảo mật và người dùng phải nhận thức được những rủi ro trực tuyến trong xã hội số".
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á.
Có thể thấy, với những bước phát triển như hiện nay, khi nhiều cách thức thanh toán điện tử mới đang được triển khai ngày càng rộng rãi đến mọi tầng lớp người dân, Việt Nam đang dần tiến đến một xã hội không tiền mặt. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, đi kèm với những ứng dụng công nghệ mới luôn là những rủi ro, nguy cơ bảo mật đe dọa người dùng.
Minh chứng là thời gian gần đây, nhiều người dùng tại Việt Nam đã nhận được tin nhắn định danh mạo danh các ngân hàng với mục đích lừa đảo. Nội dung các tin nhắn thông báo tài khoản ngân hàng có giao dịch bất thường, đề nghị khách hàng đăng nhập nếu không sẽ bị khóa tài khoản sau 24 giờ, kèm theo đường dẫn để dụ người dùng truy cập. Kết quả, những người dùng nhẹ dạ làm theo hacker đã bị lừa mất tiền.
Theo một thống kê của Kaspersky, trong năm 2020 đã ngăn chặn hơn 673.000 tấn công phishing nhắm tới đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phishing là hình thức tấn công phi kỹ thuật được tội phạm mạng sử dụng nhằm đánh cắp dữ liệu bí mật từ máy tính hay điện thoại thông minh của người dùng, sau đó sử dụng dữ liệu cho nhiều mục đích khác nhau như lấy cắp tiền của nạn nhân hoặc bán lại dữ liệu đã đánh cắp…
Hacker với các thủ đoạn khai thác lỗ hổng, tấn công ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra những thiệt hại lớn cho người dùng cả về thông tin dữ liệu lẫn kinh tế.
Do đó, để bảo vệ thông tin tài chính và tài sản, các chuyên gia an ninh mạng khuyến nghị người dùng nên cẩn trọng với những thông báo về đổi coupon, mã giảm giá hoặc ưu đãi bởi đây có thể là những dấu hiệu của âm mưu từ tội phạm mạng. Người dùng cũng không truy cập đường link hoặc gọi vào số điện thoại trong tin nhắn nếu không biết rõ về nó.
Một lưu ý quan trọng với tất cả người dùng là các tổ chức tài chính hoặc đơn vị bán hàng sẽ không gửi tin nhắn văn bản yêu cầu người dùng dịch vụ cập nhật thông tin tài khoản hoặc xác nhận mã thẻ ATM. Các chuyên gia cảnh báo, nếu người dùng nhận được một tin nhắn có vẻ như là từ ngân hàng hoặc đối tác kinh doanh, và yêu cầu nhấp vào link hoặc thông tin nào đó trong tin nhắn, người dùng có thể xác định đây là lừa đảo.
Trong cảnh báo của mình, các chuyên gia Kaspersky cũng khuyên người dùng không lưu thông tin thẻ tín dụng hoặc ngân hàng trên điện thoại để tránh trường hợp tội phạm mạng cài đặt malware và lấy toàn bộ thông tin. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, cách đơn giản nhất để người dùng không bị lừa đảo chính là không phản hồi…