Theo báo cáo được Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) công bố mới đây có tiêu đề "Tình hình hiện tại của thị trường robot công nghiệp Trung Quốc và các lĩnh vực tiềm năng cho các công ty Hàn Quốc", Trung Quốc đã lắp ráp 290.000 robot công nghiệp vào năm 2022, chiếm 52,5% tổng số robot được lắp đặt trên toàn cầu.
Báo cáo nêu bật sự thay đổi đáng kể trong động lực thị trường, với các thương hiệu Trung Quốc chiếm đến 52,5% số robot công nghiệp được bán tại Trung Quốc vào năm ngoái, tăng đáng kể so với mức 42,4% vào năm 2021. Sự gia tăng này là do các chính sách nội địa hoá của Trung Quốc trong khuyến khích sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Khu vực Đồng bằng sông Dương Tử, bao gồm Thượng Hải, Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và An Huy, đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng ngành của Trung Quốc. Các tỉnh thành này hiện là nơi đặt trụ sở của hơn 4.500 công ty liên quan đến robot và sản xuất 50% tổng sản lượng robot của Trung Quốc.
Các lĩnh vực thúc đẩy nhu cầu về robot công nghiệp tại Trung Quốc bao gồm điện và điện tử (18,7%), phụ tùng ô tô (14,7%) và sản xuất kim loại (11,7%). Ngoài ra, lô hàng robot công nghiệp cho ngành năng lượng mặt trời đã tăng đáng kể 90% so với năm trước.
Về quy mô thị trường, thị trường robot hàn tự động của Trung Quốc được định giá 12,74 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ USD) vào năm ngoái, trong khi thị trường robot di động đạt đến 21,2 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD).
Báo cáo Robot Thế giới mới nhất của Liên đoàn Robot Quốc tế cũng ghi nhận trong năm 2023, 70% tất cả các robot mới trong năm 2023 đã được lắp đặt ở châu Á, 17% ở châu và 10% ở châu Mỹ. Trong đó, 2 quốc gia châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường sản xuất robot lớn nhất thế giới.