Cách đây khoảng một năm, các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Công an đã ký thông tư liên tịch về phòng, chống tham nhũng.
Kiểm toán Nhà nước cũng tham gia bàn và soạn thảo nội dung. Nhưng cuối cùng "mặc dù dù các đồng chí trưởng ngành động viên nhưng tôi không ký".
Thông tin trên được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết cuối phiên thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước của Quốc hội chiều 7/6.
Một trong những vấn đề đặt ra khi sửa luật là bổ sung quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là thông tư liên tịch.
Một số ý kiến ủng hộ quy định này. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) thì điều 25 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: "Thông tư liên tịch giữa chánh án, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ ban hành để hướng dẫn về phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục".
Với những quy định này của luật, kiểm toán không có nghĩa vụ, quyền hạn gì trong việc phải phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để hướng dẫn về trình tự, thủ tục, ông Bộ phân tích.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, khoản 3 điều 118 Hiến pháp quy định: tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định. Vì vậy, nếu giao thêm trách nhiệm, quyền cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt hơn việc tuân thủ và hiệu quả hơn quản lý tài chính, tài sản công thì nên giao.
"Chính vì vậy, tôi đồng ý việc giao thêm cho Kiểm toán Nhà nước được quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật", ông Sinh nói khi dùng quyền tranh luận.
Giải trình nội dung trên, Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: "về thẩm quyền ban hành quy định văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán, chúng tôi chỉ đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, không phải ban hành quy định đối với các lĩnh vực khác. Chỉ có phòng chống tham nhũng".
Sau đó ông nêu lý do một năm trước việc ông không ký thông tư liên tịch về phòng, chống tham nhũng là bởi vì trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không có Kiểm toán Nhà nước nên không ký được.
Trong khi đó, quy định trình tự, thủ tục trong vấn đề phòng, chống tham nhũng rất cần có sự tham gia của Kiểm toán. Ví dụ, phát hiện hồ sơ sai phạm trong vòng bao nhiêu ngày phải chuyển cho cơ quan điều tra, trong vòng bao nhiêu ngày cơ quan điều tra phải thông báo cho Kiểm toán Nhà nước xử lý như thế nào, việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng ra sao..., ông Phớc nêu sự cần thiết.
Về bổ sung quy định xác minh để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, ông Phớc trình bày, điều 62 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện có vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Vì vậy, bổ sung quy định xác minh để Tổng Kiểm toán quy định về trình tự, thủ tục xác minh, tránh trường hợp kiểm toán viên lợi dụng. Bởi vì, Luật Kiểm toán sau khi ban hành chỉ có Tổng Kiểm toán quy định chi tiết một số vấn đề về mặt nghiệp vụ, chứ không có nghị định hướng dẫn thi hành. Nếu không có trong quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước thì rất khó để đưa ra trình tự, thủ tục.
Tổng kiểm toán cũng giải trình một vấn đề đang còn khiến đại biểu băn khoăn, đó là bổ sung quy định quyền xử phạt hành chính.
"Chúng tôi không xử phạt hành chính các công chức, viên chức bởi công chức, viên chức cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã có Luật Cán bộ, công chức điều chỉnh nên. Chúng tôi xin xử phạt 2 việc: cản trở, không cung cấp hồ sơ tài liệu và cố tình chống đối. Quy định như thế nào do Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định, chúng tôi sẽ thực hiện", ông Phớc nói.
Tổng kiểm toán cũng nói thêm là, các quốc gia trên thế giới đều giao cho Tổng Kiểm toán xử phạt hành chính với hành vi này, Luật Kiểm toán của Hàn Quốc phạt tù đến 6 tháng.