Theo đó, thông tư này áp dụng đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và thực hiện các quy định về tốc độ thiết kế, tốc độ khai thác của đường bộ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Điểm mới của thông tư này là việc Bộ Giao thông Vận tải quy định rõ về tốc độ thiết kế của từng loại đường. Trong đó, đường bộ cao tốc phương tiện được chạy tốc độ tối đa 120 km/h, thấp nhất 60 km/h. Trường hợp đường bộ cao tốc có thiết kế tốc độ tối đa 60 km/h, thì tốc độ tối thiểu được thực hiện theo phương án tổ chức giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Song song đó, Bộ Giao thông Vận tải giữ nguyên quy định tốc độ tối đa của phương tiện lưu thông trong khu vực đông dân cư cao nhất là 60 km/h, thấp nhất 50 km/h. Còn phương tiện lưu thông ngoài khu vực đông dân cư được chạy với vận tốc tối đa 90 km/h, thấp nhất 50 km/h, tuỳ từng loại đường.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải cho phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền được phép “căn cứ vào điều kiện thực tế của đoạn tuyến, tuyến đường để đặt biển hạn chế tốc độ”. Điều này giúp các địa phương chủ động điều chỉnh linh hoạt biển báo.
Về khoảng cách an toàn, tuỳ thuộc vào từng tốc độ sẽ có khoảng cách an toàn riêng. Cụ thể, đối với tốc độ 60 km/h, khoảng an toàn là 35m; từ 60 tới 80 km/h, khoảng cách an toàn là 55m; từ 80 tới dưới 100 km/h, khoảng cách an toàn là 70m; từ 100 tới 120km/h, khoảng cách an toàn là 100m.