Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 286,6 tỷ đồng, thu về cho ngân sách Nhà nước 2.165,4 tỷ đồng.
TỐC ĐỘ THOÁI VỐN CÒN CHẬM
Trong số 12 doanh nghiệp thực hiện thooái vốn trên, có 3 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng.
Có 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.
Trong 4 tháng qua, Bộ Tài chính cũng quyết định xuất Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để bù đắp chi phí thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình và Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa Quảng Bình…
4 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 286,6 tỷ đồng, thu về cho ngân sách Nhà nước 2.165,4 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng, tốc độ thoái vốn vẫn còn chậm so với kế hoạch mặc dù việc thoái vốn, đẩy nhanh cổ phần hoá được Chính phủ hết sức quan tâm.
Nguyên nhân là do tình trạng các bộ, ngành, địa phương còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hoá, thoái vốn tại các quy định thuộc các Nghị định hiện hànhh...
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp Nhà nước; thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan tham gia về Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đề án là cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài ra, bộ sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình công nợ của các doanh nghiệp, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước Quý 4 năm 2020 và cả năm 2020.
Cuối năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo về việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp. Theo đó, việc sử dụng quỹ cơ bản được các đơn vị thực hiện theo quy định; tuy nhiên, còn một số tồn tại như tình trạng một số địa phương chưa nộp số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh.
Cùng đó, một số Tập đoàn, Tổng công ty chưa xác định đầy đủ các khoản phải nộp về Quỹ và sử dụng Quỹ không đúng quy định như chậm bàn giao, thu nộp về Quỹ khi chuyển sang công ty cổ phần.
Bởi vậy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính thu hồi về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp 3.536 tỷ đồng và thu hồi các khoản nợ tồn đọng là 1.218 tỷ đồng…
Theo Bộ Tài chính, đến nay khoản thu theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa thực hiện xong do đó trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ đôn đốc để các đơn vị nộp đầy đủ về Quỹ Hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp.
GIÁM SÁT QUYỀN CHỦ SỞ HỮU
Chia sẻ về các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, thứ nhất, cơ chế chính sách về cơ bản đã đầy đủ. Trong đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 161/NQ-CP năm 2020 về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Nghị quyết đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện.
Bộ Tài chính cho rằng, một trong số các biện pháp đẩy nhanh bán vốn doanh nghiệp nhà nước là hoàn thành quyết toán công tác cổ phần hoá, xác định số phải nộp, số tạm nộp và thực hiện nộp tiền thu từ cổ phần hoá theo quy định. Trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ.
Do đó Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nghiêm túc thực hiện các giải pháp Chính phủ đề ra.
Thứ hai, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định. Hoàn thành phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật...
Thứ ba, rà soát những vấn đề liên quan đến phương án cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, các vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn.
Thứ tư, hoàn thành quyết toán công tác cổ phần hoá, xác định số phải nộp, số tạm nộp và thực hiện nộp tiền thu từ cổ phần hoá theo quy định. Trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ.