Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH-HOSE) thông báo kết luận điều tra bổ sung về vụ án hình sự liên quan đến hoạt động của Thủ Đức House.
Cụ thể: ngày 31/12/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an (C03) đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Buôn lậu, Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giá” của Cơ quan tổ chức xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và một số đơn vị liên quan, trong đó có liên quan đến hoạt động kinh doanh linh kiện điện tử giai đoạn 2017-2019 nên ThuDuc House thực hiện phối hợp điều tra theo quy định của pháp luật.
Sau hai lần điều tra bổ sung, ngày 07/02/2023 C03 đã gửi thông báo kết thúc điều tra vụ án hình sự số 572/CV-CSKT-P10 đề nghị truy tố đối với 67 bị can về 9 tội danh gồm: Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nhận hối lộ; Sản xuất, buôn bán hàng giả; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, C03 thực hiện chuyển Bản kết luận điều tra cùng hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thực hiện truy tố các bị can ra trước pháp luật để Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện việc xét xử và quyết định trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ án theo quy định.
Theo nội dung kết luận điều tra của C03, ThuDuc House đã ứng trước tiền thuế GTGT là 365,5 tỷ đồng để chuyển cho các Công ty của Nguyễn Văn Lành, sau đó mới thực hiện thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế TP.HCM.
Mặt khác, ThuDuc House cũng chỉ là đương sự trong vụ án, có nghĩa vụ phối hợp điều tra, không bị khởi tố hình sự cũng như không bị kê biên, tạm dừng hay phong tỏa tài sản.
Đối với các bị can có liên quan đến việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử giai đoạn 2017-2019 của ThuDuc House, C03 cũng đưa ra kết luận các bị can này phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền 365,5 tỷ đồng hoàn thuế đã bị chiếm đoạt.
Đồng thời, C03 cũng đã thực hiện các biện pháp kê biên, tạm dừng, phong tỏa tài sản của các bị can để đảm bảo thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Mặc dù vậy, nhằm phối hợp công tác điều tra thì ThuDuc House vẫn thực hiện tạm nộp đủ số tiền hoàn thuế GTGT là 365,5 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ theo yêu cầu của C03 cho đến khi có quyết định cuối cùng của Tòa án nhân dân có thẩm quyền về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bị can đối với số tiền thuế GTGT bị chiếm đoạt này.
Ngoài ra, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với ThuDuc House về các khoản nợ liên quan đến số tiền chậm nộp của thuế GTGT linh kiện điện tử nêu trên trong thời gian đợi có quyết định cuối cùng của Tòa án về trách nhiệm bồi thường của các bị can.
Về Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức
ThuDuc House cho biết đã thực hiện khởi kiện Công ty CP Quản lý và Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu bàn giao giao lại toàn bộ các mặt bằng tại Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức do thời hạn các Hợp đồng hợp tác đã kết thúc và bồi thường thiệt hại cho ThuDuc House số tiền khai thác các mặt bàng trong suốt thời gian bị Công ty Chợ chiếm đoạt quyền khai thác từ tháng 01/2022 đến hết tháng 12/2022 với tổng số tiền ước tính là hơn 38 tỷ đồng (số liệu tạm tính theo Báo cáo thường niên năm của Công ty Chợ).
Ngày 11/01/2023, Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức đã có Thông báo thụ lý vụ án số 321/TB-TLVA và ngày 10/02/2023, Tòa án đã có Giấy triệu tập đại diện của ThuDuc House và Công ty Chợ đến Tòa án làm việc để giải quyết vụ án theo quy định.
Hiện nay, ThuDuc House đang gấp rút thực hiện các thủ tục và củng cố các hồ sơ liên quan đển quyền khai thác hợp pháp các mặt bằng của ThuDuc House nhằm giải quyết vụ án nhanh nhất, sớm lấy lại quyền khai thác kinh doanh và tiếp tục đồng hành, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tiểu thương tại Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, cũng như giảm bớt thiệt hại cho các cổ đông của ThuDuc House.
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2022, TDH ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 118 tỷ đồng, cao gấp hơn 5 lần cùng kỳ (23,2 tỷ đồng); sau khi trừ các loại chi phí, TDH báo lỗ sau thuế 15,4 tỷ đồng - trong đó công ty mẹ chịu lỗ gần 32 tỷ đồng – giảm mạnh so với con số lỗ ròng 782 tỷ đồng của quý 4 năm ngoái.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần của TDH đạt 176,5 tỷ đồng, giảm 64% so với năm ngoái (487 tỷ); lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng - cùng kỳ lỗ hơn 890 tỷ) - trong đó công ty mẹ lãi hơn 13 tỷ đồng - (cùng kỳ lỗ 942 tỷ đồng). Tính đến ngày 31/12/2022, TDH vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế hơn 671 tỷ đồng.
Được biết, HoSE giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu TDH theo Quyết định số 399/QĐ-SGDHCM ngày 20/06/2022 của HOSE do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 42,56 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/06/2022 là -651,5 tỷ đồng và có ý kiến kiếm toán chấp thuận toàn phần căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2022, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31 tháng 03 năm 2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, cổ phiếu TDH hiện vẫn bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận) theo Quyết định số 567/QĐ-SGDHCM ngày 14/10/2021 của HOSE.
Chốt phiên ngày 27/2, giá cổ phiếu TDH tăng thêm 200 đồng lên 3.160 đồng/cổ phiếu với 252.300 đơn vị được giao dịch.