Ngày 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu.
Theo Báo cáo, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Hệ thống thi hành án dân sự tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các Thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội, Chính phủ giao; phối hợp với các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng…
THI HÀNH ÁN DÂN SỰ ĐẠT TỶ LỆ 65,24%
Kết quả thi hành án dân sự 9 tháng đầu năm 2024 (thời gian tính theo tháng kế tiếp tháng tổng kết của năm liền trước), toàn hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong 403.769 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỉ lệ 65,24%. Một số địa phương đạt kết quả cao về việc như: Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Tuyên Quang...
Về tiền, đã thi hành xong hơn 73.015 tỷ đồng, tăng hơn 2.736 tỷ đồng (tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỉ lệ 27,60%. Một số địa phương đạt tỷ lệ cao về tiền như: Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắk Nông...
Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 2.117 việc, với số tiền trên 11.387 tỷ đồng.
Kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, về việc, đã thi hành xong 45/153, 7 vụ việc đã xử lý xong hết tài sản, đã xác minh và phân loại chưa có điều kiện thi hành án (theo Điều 44a Luật Thi hành án dân sự); đang tiếp tục tổ chức thi hành 85 vụ việc và 16 vụ việc cơ quan thi hành án dân sự chưa thụ lý do Tòa án chưa xét xử phúc thẩm.
Về tiền, đã thi hành xong 85.465 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến 31/5/2024), các cơ quan thi hành án dân sự đã xử lý tài sản, thu hồi được số tiền trên 9.243 tỷ đồng.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ông Nguyễn Quang Thái cho biết ngoài kết quả về thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự còn thi hành xong 400 việc thi hành án hành chính, tăng 184 việc so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Nguyễn Quang Thái, để đạt được những kết quả về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính như trên là nhờ sự nỗ lực, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống thi hành án dân sự, sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương… Bởi công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là việc thi hành án tham nhũng, kinh tế và án tín dụng ngân hàng vô cùng khó khăn, phức tạp, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục riêng cho loại án này…
CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TIẾP TỤC DUY TRÌ NHÓM DẪN ĐẦU
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá.
Trong 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo tăng cường các cuộc họp, chỉ đạo trực tuyến; rà soát tổng thể, ban hành Danh mục báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thực hiện cải cách hành chính và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO trong việc thực hiện công tác chuyên môn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, Bộ Tư pháp đã ban hành 11 Quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ; công bố công khai đối với 154 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, hộ tịch, quốc tịch.
Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và có nhiều đổi mới. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (tương đương so với cùng kỳ 2023); các địa phương ban hành 1.528 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, 1.038 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và 810 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc lập đề nghị, trình Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều dự án quan trọng do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo (Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng…).
Về công tác pháp luật quốc tế, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về giải quyết tranh chấp quốc tế; thẩm định, góp ý 144 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; cung cấp 4 ý kiến pháp lý cho các Hiệp định vay nước ngoài.
Về ủy thác tư pháp, đã tiếp nhận, chuyển giao cho các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài 830 hồ sơ và tiếp nhận từ nước ngoài để chuyển về các cơ quan trong nước là 439 hồ sơ. Công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ngày càng đươc các bộ, ngành, địa phương chú trọng.