Việt Nam là đối tác giam gia cơ chế JCM từ năm 2013 đến năm 2020 và tiếp tục ký kết tham gia cho giai đoạn đến năm 2030. Việc thực hiện cơ chế JCM tại Việt Nam cũng đóng góp cho sự phát triển của thị trường carbon trong nước.
Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia cơ chế JCM, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức Diễn đàn: “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia cơ chế tín chỉ chung (JCM) hướng tới sẵn sàng cho thị trường carbon tại Việt Nam”.
Diễn đàn nhằm phổ biến rộng rãi các nội dung hợp tác theo Cơ chế JCM; kinh nghiệm triển khai các dự án tạo tín chỉ carbon, trong đó có việc xây dựng phương pháp tạo tín chỉ carbon minh bạch, toàn vẹn môi trường và giới thiệu các dự án tiềm năng; chia sẻ định hướng kết nối thị trường carbon Việt Nam với khu vực và thế giới trong thời gian tới.
HỖ TRỢ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP TIỀM NĂNG XÂY DỰNG, TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐĂNG KÝ THEO CƠ CHẾ JCM
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết Cơ chế tín chỉ chung (JCM) là sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát thải carbon thấp tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam trên cơ sở hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Chính phủ Nhật Bản.
Cơ chế JCM được ký kết và triển khai tại Việt Nam từ năm 2013 cho giai đoạn 2013-2020 và tiếp tục được gia hạn cho giai đoạn 2021- 2030. Điều này thể hiện kỳ vọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước hướng tới đạt được những kết quả giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Giai đoạn 2013- 2020, Chính phủ Nhật Bản triển khai hợp tác Cơ chế JCM với 17 quốc gia, trong đó có Việt Nam, và hiện nay đã lên đến 30 quốc gia. Cục Biến đổi khí hậu hy vọng JCM sẽ trở thành một cơ chế toàn cầu trong tương lai. Đến nay, trên 30 nước ký kết JCM đã có trên 256 dự án đã và đang tham gia Cơ chế, có 106 phương pháp luận tạo tín chỉ carbon.
Theo Cục Biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Cơ chế JCM đã được triển khai tại Việt Nam với các kết quả như: thành lập Ủy ban hỗn hợp hai nước và phê duyệt 15 phương pháp luận, đăng ký 14 dự án. Các dự án chủ yếu tập trung vào các dự án tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, cải tiến trang thiết bị để hiệu quả năng lượng cao hơn. Đến nay, 35.000 tín chỉ carbon đã được cấp, với tổng mức cam kết hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản khoảng 35 triệu USD.
Ngoài các dự án đã đăng ký, Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tiềm năng xây dựng và triển khai dự án để đăng ký theo Cơ chế JCM. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải lớn của Việt Nam như trong canh tác sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, năng lượng, giao thông.
"Hai bên sẽ xem xét mở rộng phạm vi đầu tư sang các dự án giảm phát thải khí nhà kính khó hơn, phức tạp hơn, cần đầu tư tài chính, kỹ thuật và công nghệ cao như các dự án về thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCS/CCUS), các dự án phát triển điện gió ngoài khơi…”, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết.
HOÀN THIỆN PHÁP LÝ VẬN HÀNH THỊ TRƯỜNG CARBON, HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ TRAO ĐỔI KẾT QUẢ GIẢM NHẸ PHÁT THẢI VÀ TÍN CHỈ
Để xây dựng, tiến tới vận hành và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, hành lang pháp lý đã được chuẩn bị đầy đủ.
Ngày 24/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam tại Quyết định số 232/QĐ-TTg.
Ngày 09/6/2025, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 119/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

"Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý để vận hành thị trường carbon, hợp tác quốc tế về trao đổi kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thuộc Chính phủ Nhật Bản trong việc rà soát, điều chỉnh các hướng dẫn JCM phù hợp với quy định của Thỏa thuận Paris và bối cảnh mới trong nước và quốc tế".
Theo ông Cường, việc sửa đổi Nghị định nhằm điều chỉnh, giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính theo hướng minh bạch, sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của quốc tế; đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường carbon, tạo tín chỉ carbon trong các lĩnh vực.
Nghị định sửa đổi cũng có các quy định liên quan đến việc các bộ ngành phê duyệt các phương pháp tạo tín chỉ carbon; các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; tham gia trao đổi hạn ngạch trong thị trường carbon; việc vận hành thị trường carbon; thư chấp thuận trao đổi kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…
“Đây là những quy định pháp lý quan trọng thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, tín chỉ carbon từ các dự án JCM sẽ được trao đổi trên sàn giao dịch carbon tại Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.
Triển khai Quyết định 232 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán,… đã xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia về quản lý hạn ngạch và tín chỉ carbon phục vụ cho các cơ sở có hạn ngạch và các doanh nghiệp có tín chỉ carbon trên toàn lãnh thổ Việt Nam, kết nối trong nước và quốc tế, kết nối hệ thống đăng ký này với hệ thống sàn giao dịch carbon ETS mà Bộ Tài chính đang chuẩn bị.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng bộ tài liệu nghiệp vụ, trên cơ sở đó sẽ thiết kế, hình thành xây dựng, triển khai, vận hành thị trường carbon, sàn giao dịch carbon. Bộ Tài chính chủ trì đang trình Chính phủ Nghị định về vận hành sàn này và dự kiến sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới, để điều chỉnh các hoạt động của sàn giao dịch carbon tại Việt Nam (sàn ETS).
Trong Nghị định 119 cũng đã quy định các doanh nghiệp có hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được trao đổi, giữa các doanh nghiệp sử dụng vượt quyền phát thải được mua hạn ngạch của các doanh nghiệp phát thải thấp hơn…Trong giai đoạn đầu, mức này ở Việt Nam (quy định 30%) nhằm khuyến khích để dần làm quen với thị trường carbon.
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng phát triển thị trường carbon nên sẽ có những bước đi, lộ trình phù hợp. Đây là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp chủ động hơn trong đầu tư vào các hoạt động giảm phát thải và tận dụng hiệu quả các cơ chế tài chính carbon mới.
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho rằng những thông tin, kinh nghiệm và kiến nghị được chia sẻ sẽ mang lại giá trị thực tiễn, thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn nữa của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản vào Cơ chế JCM, thúc đẩy tiến trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.