Đó chính là nhận định của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong báo cáo về kết quả kiểm tra 3 tổng công ty thuộc ngành hàng không Việt Nam.
Cụ thể, tại Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tổ công tác cho biết doanh nghiệp hiện quản lý và khai thác 22 cảng hàng không trên cả nước. Trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng hành khách đạt 56 triệu lượt, tăng 17%, sản lượng hàng hoá đạt 775.000 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ. Doanh thu của ACV đạt 9.864 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 3.458 tỷ đồng.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đánh giá tốc độ phát triển của ACV đảm bảo mục tiêu tăng trưởng chung năm 2017.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổ công tác cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh nghiệp đạt doanh thu 1.613 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 464 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ. Theo đó, VATM đã đảm bảo an toàn bay với 395.129 chuyến.
Tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Tổ công tác Chính phủ cho biết, 7 tháng đầu năm thị trường nội địa tăng trưởng chậm, có dấu hiệu bão hoà song hãng vẫn đạt doanh thu 49.000 tỷ, lợi nhuận 2.100 tỷ đồng, vượt 45,6% kế hoạch giao. Tổng lượng hành khách vận chuyển đạt 15,6 triệu lượt khách với chỉ số đúng giờ đạt 90,5%.
“Các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được 3 tổng công ty thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ. Theo rà soát, từ đầu 2016 đến 10/8/2017, tổng số nhiệm vụ Chính phủ giao cho 3 tổng công ty là 84, trong đó đã hoàn thành 80, còn 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn”, Tổ công tác của Thủ tướng cho hay.
Tuy nhiên, Tổ công tác cũng cho rằng công tác đảm bảo an toàn an ninh hàng không, nâng tần suất cất, hạ cánh, tình hình huỷ, hoãn chuyến bay, đầu tư, nâng cao hiệu quả hạ tầng hàng không, công tác cổ phần hoá, thoái vốn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
“Đề nghị 3 tổng công ty cần tập trung chỉ đạo, khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập này nhằm nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng ngành hàng không Việt Nam phát triển”, Tổ công tác yêu cầu.
Tổ công tác của Thủ tướng cũng đề nghị 3 tổng công ty hàng không phải đổi mới công tác quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí gián tiếp để giảm giá vé, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng tỷ lệ lợi nhuận, nâng cao cạnh tranh, nhất là cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài để tăng thị phần vận chuyển đối với các khách quốc tế.
Đồng thời, 3 doanh nghiệp phải có giải pháp quản lý luồng không lưu giữa các sân bay để khắc phục tình trạng tắc nghẽn trong khu vực vùng trời sân bay cũng như trong khu vực đường trời đường dài, bảo đảm tuyệt đối án ninh an toàn bay.
“Ba tổng công ty phải tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, đẩy nhanh cổ phần hoá, thoái vốn, đánh giá chính xác, khách quan giá trị doanh nghiệp. Đồng thời, cần tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình hàng không quan trọng của ngành hàng không, kêu gọi xã hội hoá, thu hút các nguồn lực xã hội vào đầu tư, khai thác hạ tầng hàng không kể cả đường băng, sân bay cũng cần mạnh dạn có cơ chế thu hút đầu tư nhằm phá vỡ thế độc quyền nữa, tạo cú hích để hàng không Việt Nam phát triển lớn mạnh, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, Tổ công tác của Thủ tướng cho hay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate