Thông tin về việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân TP.HCM cho biết việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 đã giúp đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động tăng lương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn.
TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU, DOANH NGHIỆP TĂNG CHI PHÍ
Qua ghi nhận báo cáo, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động. Trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu.
Mặc dù việc điều chỉnh mức lương tối thiểu có nhiều thuận lợi, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, tuy nhiên Uỷ ban nhân dân TP.HCM đánh giá, việc thực hiện chính sách tiền lương của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo đó, từ đầu năm 2020, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tình hình kinh tế, chính trị tại một số quốc gia trên thế giới có nhiều bất ổn. Hầu hết các loại hình doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, không có doanh thu, nhưng phải thanh toán các khoản chi phí như: thuế, bảo hiểm xã hội, trả lương cho người lao động, tiền điện, tiền nước, tiền thuê mặt bằng, thanh toán các khoản vay ngân hàng và các chi phí khác...
Điều này dẫn đến việc trả lương bị chậm trễ, rất nhiều người lao động phải nghỉ không hưởng lương, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, thậm chí bị mất việc làm. Các doanh nghiệp tập trung chủ yếu cho công tác phòng, chống dịch, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên việc tính toán tăng lương cho người lao động cũng như rà soát, xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định chưa được quan tâm nhiều.
Cùng với đó, việc thực hiện quy định về mức lương tối thiểu và quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Bảo hiểm xã hội đã làm tăng chi phí đóng của doanh nghiệp. Trong khi đó, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận không tăng. Nhất là trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là áp lực cho các doanh nghiệp phải tính toán, cân đối kỹ lưỡng để không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
CÓ CHÍNH SÁCH KIỂM SOÁT GIÁ CẢ KHI TĂNG LƯƠNG
Hạn chế nữa cũng được Ủy ban nhân dân TP.HCM đề cập là, theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019, khi người sử dụng lao động xây dựng thang lương, bảng lương thì không bắt buộc phải gửi về cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận, huyện, thành phố Thủ Đức nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, việc này dẫn đến cơ quan Nhà nước gặp khó khăn trong nắm bắt, theo dõi việc xây dựng và thực hiện thang lương, bảng lương của các doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động trước khi thực hiện. Tuy nhiên, một số công đoàn cơ sở chưa mạnh dạn góp ý, hoặc chưa am hiểu về quy định xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương để giải thích và yêu cầu doanh nghiệp áp dụng phù hợp theo quy định.
Do vậy, tại một số doanh nghiệp dù việc xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương chưa đúng quy định pháp luật, nhưng đều được sự đồng ý của công đoàn cơ sở.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có quy định về nâng bậc lương (trong thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương), song thực tế không áp dụng. Cụ thể, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp chỉ điều chỉnh tăng thêm tiền lương cho người lao động, để đảm bảo phù hợp với mức lương tối thiểu vùng, mà không nâng bậc lương cho người lao động theo thỏa thuận.
Điều này dẫn đến người lao động làm việc lâu năm cũng như người mới tuyển dụng vẫn xếp vào bậc 1 của thang lương, bảng lương, cách tính lương, nâng lương của doanh nghiệp chủ yếu theo khả năng, năng lực người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp do chủ sử dụng lao động tự quyết định.
Một số doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu trên hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định, nhưng đồng thời điều chỉnh giảm hoặc bỏ hệ số đã đăng ký thực hiện trước đây. Do đó, mức lương của người lao động có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt.
Để việc triển khai thực hiện quy định về tiền lương tối thiểu đạt hiệu quả, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho rằng, trước bối cảnh các doanh nghiệp và người lao động gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần báo cáo Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người lao động. Đồng thời, kết nối cung cầu lao động, giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ chân người lao động.
Địa phương cũng kiến nghị, khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như giá sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động. Mặt khác, cần ban hành và công bố sớm để cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương tổ chức tốt việc triển khai thực hiện.