Thu ngân sách tháng 8 ước đạt 78,6 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa ước đạt 63,2 nghìn tỷ đồng, giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7. Thu từ dầu thô ước đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 224 tỷ đồng so tháng 7. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, giảm 11 nghìn tỷ đồng so tháng 7, giảm 9 nghìn tỷ đồng so bình quân 7 tháng đầu năm.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa thuế và hải quan, Học viện Tài chính nói: “Rõ ràng, khả năng tăng trưởng kinh tế rất khó khăn. Do vậy, thu ngân sách những tháng cuối năm sẽ chịu áp lực rất lớn. Số thu khó đạt như kỳ vọng và nợ thuế có thể còn tăng”.
Ông Trường phân tích thêm: “Tình hình này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nhưng tôi cho rằng có một nguyên nhân khách quan rõ nhất, là các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tính thanh khoản và nguồn tài chính”.
HÀNG CHỤC NGHÌN DOANH NGHIỆP RỜI BỎ THỊ TRƯỜNG
Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 24 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
"Có những doanh nghiệp đang hoạt động nhưng tình hình tài chính khó khăn nên chưa thể nộp thuế. Còn đối với những doanh nghiệp phá sản mà vẫn còn nợ thuế thì sẽ làm số nợ thuế tăng lên. Đây thực sự là số nợ thuế rất khó thu".
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa thuế và hải quan, Học viện Tài chính.
Theo ông Lê Xuân Trường, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì dù cơ quan thuế có làm thật tốt công tác quản lý nợ và đôn đốc thu nộp, khả năng nợ thuế tăng là khó tránh khỏi.
Tính đến hết tháng 7, theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế do ngành thuế quản lý ước khoảng 116.891 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng tăng 22,8% so với thời điểm cuối năm 2020.
Ông Cao Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, đánh giá tiến độ thu nợ đạt khá so với chỉ tiêu được giao, nhưng trong năm 2021 liên tiếp xảy ra các đợt bùng phát dịch với diễn biến phức tạp, dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ thuế.
Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, đã xuất hiện tình trạng “té nước theo mưa”, vin vào tình hình khó khăn để tránh né tuân thủ pháp luật về thuế của một bộ phận người nộp thuế, thậm chí, còn cố ý tìm cách để gian lận các khoản tiền thuế phải nộp.
Tình trạng này rõ ràng và điển hình trong lĩnh vực thuế chuyển nhượng nhà đất trên phạm vi cả nước, nhất là các địa phương nơi các cơn sốt đất đi qua, như Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Lâm Đồng…
Chính vì vậy, trong giai đoạn nước rút, Tổng cục Thuế sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế.
Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng để khai thác tăng thu như thu thuế từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet... Từ đó, kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, cùng các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Mặt khác, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế nhằm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, có dòng tiền thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, tạo cơ sở nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.
BÁO ĐỘNG THU NỘI ĐỊA GIẢM
Nhìn lại bức tranh thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2021, Bộ Tài chính cho biết lũy kế thu ngân sách ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa 8 tháng ước đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020. Thu từ dầu thô ước đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 157,5 nghìn tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, 54/63 địa phương có thu nội địa đạt trên 67% dự toán. Trong đó, có 47 địa phương thu đạt trên 70% dự toán như Bình Phước, Thừa Thiên- Huế, Hà Nam, Bình Thuận, Bắc Giang, Quảng Trị…
51 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ. Một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% là Thái Bình, Bắc Giang, Hậu Giang, Quảng Trị, Đồng Nai, Hưng Yên…
Tuy nhiên, 8 địa phương có tiến độ thu dự toán đạt thấp là Bắc Kạn đạt 65,2%; Đồng Tháp 65,1%; Kiên Giang 63,3%; Sơn La 63,3%; Cần Thơ 62,4%; Đà Nẵng 61,2%; Tiền Giang 58,6% và Hoà Bình 57,8%.
Bộ Tài chính lo ngại “tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến rất phức tạp, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới”. Đồng thời, nhiều chỉ dấu cho thấy thu nội địa, khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, đang có dấu hiệu đuối sức vì dịch bệnh.
Cụ thể, trong những tháng đầu năm, kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020.
Tuy nhiên, từ tháng 4, thu nội địa có xu hướng giảm dần khi thu được 115,6 nghìn tỷ đồng, đạt 10,2% dự toán. Tháng 5 thu được 85 nghìn tỷ đồng, đạt 7,5% dự toán. Tháng 6, thu được 80,5 nghìn tỷ đồng, đạt 7,1% dự toán.
Tháng 7 thu được 114,4 nghìn tỷ đồng, nếu không kể 37 nghìn tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý, thì chỉ thu được 77,4 nghìn tỷ đồng, đạt 6,8% dự toán. Thu nội địa tháng 8 thu được 63,2 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 5,58% dự toán, giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7.
NGÂN SÁCH "BỐC HƠI" 19 NGHÌN TỶ ĐỒNG CHO CHỐNG DỊCH
Về chi ngân sách, theo Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 115,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng ước đạt 918,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 187,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán Quốc hội quyết định. Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 thá́ng đầ̀u năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
"Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tính đến hết tháng 8 là 18,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi cho phòng chống dịch 17,2 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 1,6 nghìn tỷ đồng".
Bộ Tài chính.
Trong đó, trung ương đã chi 10,7 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch Covid-19, chi 5,1 nghìn tỷ đồng mua vaccine phòng Covid-19 từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 chuyển sang. Các địa phương đã chi 3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 là 2,55 nghìn tỷ đồng để mua vaccine.
Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch. Thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp 130 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho 24 địa phương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã xuất cấp 52 nghìn tấn gạo, đồng thời đang phối hợp với các địa phương xác định nhu cầu cụ thể để xuất cấp cho người dân đảm bảo không quá số lượng Thủ tướng Chính phủ quyết định.